Trung Quốc: CPI tăng nhưng PPI sụt giảm trong tháng Một

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 1/2016 đã chạm mức cao nhất của 5 tháng trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này lại giảm trong tháng thứ 47 liên tiếp.
Trung Quốc: CPI tăng nhưng PPI sụt giảm trong tháng Một ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: bloomberg.com)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 1/2016 đã chạm mức cao nhất của 5 tháng trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao.

Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này lại giảm trong tháng thứ 47 liên tiếp, do giá dầu lao dốc và nhu cầu yếu, qua đó làm gia tăng những quan ngại về nguy cơ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào giảm phát.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), CPI trong tháng Một của nước này đã tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015, so với mức 1,6% được ghi nhận trong tháng trước đó.

Tuy nhiên, diễn biến này không phản ánh một sự khởi sắc rõ rệt nào trong hoạt động kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc mà là kết quả của việc giá thực phẩm đã tăng 4,1% (số liệu đã điều chỉnh theo mùa vụ) trong tháng đầu tiên của năm 2016, khoảng thời gian ngay trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán.

Số liệu từ NBS cho thấy chỉ số lạm phát của các mặt hàng phi lương thực trong tháng 1/2016 chỉ tăng nhẹ 1,2%.

Bên cạnh đó, NBS cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy các công ty của Trung Quốc, nhất là công ty trong lĩnh vực khai thác mỏ, cũng đang gặp nhiều khó khăn với nhu cầu đình trệ, trong lúc tính chất cạnh tranh khốc liệt đang buộc họ phải cắt giảm giá bán.

Trong khi CPI tăng thì PPI lại giảm. Chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm 5,3% trong tháng 1/2016 so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức giảm này là thấp hơn so với mức dự báo -5,4% và mức -5,9% được ghi nhận trong tháng 12/2015.

Các nhà sản xuất của Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng giá bán giảm trong năm thứ tư liên tiếp do chịu ảnh hưởng từ giá dầu lao dốc, nhu cầu nội địa và xuất khẩu yếu cùng tình trạng dư thừa nguồn cung trong các lĩnh vực như thép và năng lượng.

Theo thống kê, lợi nhuận trong các ngành công nghiệp của Trung Quốc đã giảm tháng thứ bảy liên tiếp trong tháng 12/2015.

Theo giới đầu tư, Bắc Kinh và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương) cần phải triển khai thêm các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong năm nay.

Ngân hàng Nomura ước tính PBoC sẽ phải cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng tổng cộng bốn lần trong năm nay, mỗi lần 50 điểm cơ bản, và hạ lãi suất hai lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục