Trung Quốc công bố tài liệu khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh Sáng kiến An ninh toàn cầu đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện và bền vững, theo đuổi mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng an ninh.
Trung Quốc công bố tài liệu khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương phát biểu tại Diễn đàn Lanting về Sáng kiến An ninh Toàn cầu ở Bắc Kinh, ngày 21/2/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo Tân Hoa xã, ngày 21/2, Trung Quốc đã chính thức công bố "Tài liệu Khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu" tại Diễn đàn Lanting về Sáng kiến An ninh toàn cầu tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh.

Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững; theo đuổi mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng an ninh và ủng hộ một lộ trình mới cho an ninh với đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì liên minh và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Sáng kiến An ninh Toàn cầu thể hiện các nguyên lý cốt lõi trong tầm nhìn về một cộng đồng chung vận mệnh.

Tài liệu trình bày chi tiết về "6 cam kết đối ngoại" và xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Trung Quốc trong hợp tác quốc tế, cụ thể là hệ thống Liên hợp quốc và các nền tảng đa phương mà Trung Quốc đang hợp tác mạnh mẽ.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, "Tài liệu Khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu" giải thích các ý tưởng và nguyên tắc cốt lõi của Sáng kiến An ninh toàn cầu, xác định các ưu tiên, nền tảng và cơ chế hợp tác.

Ông tóm tắt 20 ưu tiên hợp tác được đưa ra trong tài liệu này, cụ thể là đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị an ninh, thúc đẩy sự phối hợp và tương tác lành mạnh giữa các nước lớn, tạo điều kiện giải quyết hòa bình các vấn đề nóng thông qua đối thoại, giải quyết những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đồng thời củng cố hệ thống và năng lực quản trị an ninh toàn cầu.

[Ông Tần Cương: Mỹ-Trung phải có trách nhiệm với hòa bình thế giới]

Đề cập đến vấn đề Ukraine, ông Tần Cương bày tỏ quan ngại trước sự “leo thang thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát” của cuộc xung đột Ukraine và kêu gọi các bên ngừng “đổ thêm dầu vào lửa.”

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, đóng góp ý kiến của mình cho một giải pháp chính trị và cùng cộng đồng quốc tế đẩy mạnh đối thoại và tham vấn, giải quyết các mối quan ngại của tất cả các bên và tìm kiếm an ninh chung.

Trung Quốc sẵn sàng tham gia hợp tác an ninh song phương và đa phương với tất cả các nước, kiên quyết duy trì quan điểm "không có chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân, và cuộc chiến này không bao giờ được xảy ra."

Bắc Kinh cũng bác bỏ việc chạy đua vũ trang và thúc đẩy giải quyết chính trị các vấn đề điểm nóng.

Trung Quốc công bố tài liệu khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu ảnh 2Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, ngày 4/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Tần Cương cũng cho hay Bắc Kinh sẽ công bố đề xuất trong tuần này về "giải pháp chính trị" cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cũng theo Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời môi trường quốc tế an toàn, song nhấn mạnh “không có an ninh của Trung Quốc, sẽ không có an ninh của thế giới.”

Ông cho hay Bắc Kinh kiên quyết phản đối mọi hình thức chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, kiên quyết phản đối tư tưởng “Chiến tranh Lạnh” và đối đầu phe cánh, cũng như sự can thiệp vào công việc nội bộ nước này của bất kỳ thế lực bên ngoài nào.

Theo giới phân tích, Sáng kiến An ninh Toàn cầu được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu để phù hợp hơn với lợi ích và giá trị của Trung Quốc.

Sáng kiến này sẽ trở thành khuôn khổ tổng thể cho nhiều sáng kiến an ninh của Trung Quốc tại Liên hợp quốc và ở Nam bán cầu, tạo thế đối trọng với hệ thống toàn cầu do phương Tây lãnh đạo, từ đó thiết lập một thế giới đa cực hậu phương Tây và thiết lập các chương trình nghị sự toàn cầu, từng bước thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Sáng kiến An ninh Toàn cầu có thể coi là một chủ thuyết mới, tương thích với giai đoạn phát triển mới của Trung Quốc mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục