Trung Quốc công bố Sách Trắng về chống khủng bố ở Tân Cương

Theo Sách Trắng, có thời điểm vùng Tân Cương của Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng của các phần tử ly khai, cực đoan tôn giáo và khủng bố, thường xuyên phải chứng kiến các vụ tấn công khủng bố.
Trung Quốc công bố Sách Trắng về chống khủng bố ở Tân Cương ảnh 1Các binh sỹ Trung Quốc và Kyrgyzstan tham gia một cuộc tập trận chung chống khủng bố ở Tân Cương. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Theo Tân Hoa Xã, Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 18/3 đã công bố Sách Trắng có tựa đề "Cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan và bảo vệ quyền con người ở Tân Cương."

Nội dung Sách Trắng nêu rõ Chính phủ Trung Quốc kiên quyết chống lại mọi thức khủng bố và cực đoan, không ngừng đấu tranh, trên cơ sở phù hợp với luật pháp, chống mọi hành vi ủng hộ khủng bố và cực đoan, cũng như bất kỳ hành động nào liên quan đến việc tổ chức, lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động khủng bố, hoặc xâm phạm quyền con người của các công dân.

[Trung Quốc hoan nghênh giới chức Liên hợp quốc tới Tân Cương]

Theo Sách Trắng, có thời điểm vùng Tân Cương của Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng của các phần tử ly khai, cực đoan tôn giáo và khủng bố, thường xuyên phải chứng kiến các vụ tấn công khủng bố, gây tổn hại cuộc sống và tài sản của người dân thuộc mọi sắc tộc ở Tân Cương và chà đạp phẩm giá của người dân. Văn kiện này nhấn mạnh Trung Quốc là nước pháp trị, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người phù hợp với các nguyên tắc trong Hiến pháp của nước này.

Sách Trắng này cũng khẳng định cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan của Trung Quốc là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan của cộng đồng quốc tế và Trung Quốc sẽ luôn kiên định các mục tiêu đã đề ra, cũng như tuân thủ các nguyên tắc của Liên hợp quốc trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ các quyền con người cơ bản.

Sách Trắng của Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh thế giới hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ khủng bố và cực đoan, không một quốc gia nào có thể né tránh mối đe dọa đó. Vì vậy, "chỉ có thể ngăn chặn hiệu quả khủng bố và cực đoan vì lợi ích của hòa bình và ổn định thế giới bằng cách củng cố sức mạnh cộng đồng với một tương lai chung, từ bỏ các tiêu chuẩn kép, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, đạt được sự đồng thuận về chiến lược, thúc đẩy trao đổi và hợp tác"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục