Trung Quốc vừa công bố hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay, nhờ sức hấp dẫn ngày càng tăng khi nền kinh tế phục hồi ổn định bất chấp đà suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra bởi đại dịch COVID-19.
Cụ thể, theo Bộ Thương mại Mỹ, trong 11 tháng kể từ đầu năm nay, vốn FDI đổ vào Trung Quốc đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua ngưỡng quan trọng 1.000 tỷ nhân dân tệ để đạt mức 1.040 tỷ nhân dân tệ (157,2 tỷ USD).
Con số này cao hơn mức FDI mà Trung Quốc đạt được trong cả năm 2020.
Bộ thương mại Mỹ dự báo, tăng trưởng FDI của Trung Quốc trong cả năm 2021 có thể sẽ đạt mức hai con số, điều hiếm thấy trong những năm gần đây.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được coi là một “cửa sổ” để quan sát mức độ mở cửa của một quốc gia và phản ánh sức sống kinh tế của quốc gia đó.
Báo cáo từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển cho biết, dòng vốn FDI phản ứng mạnh với khủng hoảng hơn là thương mại và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Liu Xiangdong, nhà nghiên cứu của Trung tâm Giao dịch Kinh tế Quốc tế Trung Quốc cho biết: “Dòng vốn nước ngoài sẽ chảy đến bất cứ nơi nào thị trường khởi sắc và có cơ hội phát triển.”
Ông chỉ ra rằng hoạt động kinh tế ổn định và triển vọng đầy hứa hẹn của Trung Quốc là lý do cơ bản đứng sau mức tăng trưởng ấn tượng FDI của nước này.
Mặc dù đại dịch làm gián đoạn nền kinh tế và thương mại toàn cầu, nhưng Trung Quốc đã đi ngược xu hướng sụt giảm vốn đầu tư trên thế giới và công bố mức tăng trưởng FDI đáng kinh ngạc.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021, GDP của Trung Quốc đã tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng hàng năm là hơn 6%.
Các công ty đa quốc gia đã “phi nước đại” để bơm tiền mặt của họ vào thị trường Trung Quốc khi nhận thấy sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một phần nhờ việc ứng phó hiệu quả với đại dịch.
[FDI vào Trung Quốc dự kiến tăng trưởng hai con số năm 2021]
Dữ liệu kinh tế tháng 11 của Trung Quốc cho thấy lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế nước này đã tăng trưởng đáng kể. Sản lượng của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh, trong khi các ngành công nghệ cao cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Ren Hongbin cho biết, quốc gia này đã vượt qua những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, đồng thời tận dụng lợi thế của mình trong chuỗi cung ứng và nền tảng vững chắc của ngành sản xuất nhằm lấp đầy khoảng cách giữa cung và cầu.
Bên cạnh đó, khối lượng thị trường lớn, các chính sách hỗ trợ và môi trường kinh doanh được cải thiện của Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến nước này giành được nhiều cam kết đầu tư dài hạn từ các công ty đa quốc gia, bất chấp những dự đoán trước đó rằng các công ty đa quốc gia sẽ dần rút khỏi đất nước này.
Trong nửa đầu năm nay, mức đầu tư thực tế của Liên minh châu Âu (EU) vào Trung Quốc tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tư nước ngoài từ các quốc gia dọc theo “Vành đai và Con đường” và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào Trung Quốc cũng đã tăng lần lượt 24,7% và 23,7% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay.
Ông Steven Lien, Chủ tịch Honeywell China và Aerospace Asia Pacific, cho biết việc Trung Quốc tích cực thúc đẩy chuyển đổi xanh và giảm phát thải carbon cũng mang lại cơ hội phát triển rộng rãi cho các doanh nghiệp đa quốc gia, qua đó mở đường cho dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ.
Những dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho năm 2022 từ các tổ chức quốc tế hàng đầu đã thể hiện sự tin tưởng của họ vào nền kinh tế nước này.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm tới, cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, mức dự báo tương tự của Ngân hàng Thế giới (WB) là 5,1%.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương khai mạc vào đầu tháng này, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc đã hối thúc các nỗ lực chủ động để phù hợp với các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế tiêu chuẩn cao, cải cách sâu rộng thông qua mở cửa cấp độ cao và khuyến khích sự phát triển chất lượng cao.
Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc mở cửa thể chế và thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư từ các công ty đa quốc gia vào Trung Quốc./.