Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong quý 2

Kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với rủi ro về cả nhu cầu trong và ngoài nước, do đó, Bắc Kinh cần tăng cường thực hiện chính sách ổn định tăng trưởng.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Số liệu tăng trưởng xuất nhập khẩu tháng Ba vừa qua của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong 13 tháng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với rủi ro về cả nhu cầu trong và ngoài nước. Do đó, Bắc Kinh cần tăng cường thực hiện chính sách ổn định tăng trưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 13/4, kim ngạch xuất khẩu tháng Ba của Trung Quốc giảm 15% so với cùng kỳ năm 2014, giảm mạnh hơn so với mức dự báo 12% mà hãng tin Reuters của Anh đưa ra và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2014.

Kim ngạch nhập khẩu trong cùng tháng cũng giảm 12,7%, khiến thặng dư thương mại tháng Ba của Trung Quốc chỉ còn 3,08 tỷ USD sau khi đạt mức cao kỷ lục trong hai tháng đầu năm.

Nhà kinh tế thuộc Ngân hàng HSBC, ông Khuất Hoành Bân, nhận định tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tháng trước giảm mạnh so với dự kiến chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế của các đối tác xuất khẩu yếu ớt. Số liệu thương mại cho thấy hoạt động thương mại của Trung Quốc sau Tết Nguyên đán vẫn không lạc quan và thực tế này có thể làm gia tăng áp lực đi xuống đối với nền kinh tế. Vì thế, chính sách nới lỏng tiền tệ đã tới lúc không thể chậm trễ được nữa.

Trong một phát biểu được tờ Kinh tế Nhật báo Hong Kong số ra ngày 14/4 dẫn lời nhà phân tích cao cấp của bộ phận thị trường tài chính thuộc Ngân hàng Thương mại Trung Quốc Lưu Đông Lượng cũng cho rằng từ số liệu thương mại có thể thấy vấn đề thiếu hụt về nhu cầu của kinh tế Trung Quốc vẫn chưa được cải thiện. Hiện nay, áp lực kinh tế đi xuống vẫn rất lớn, cho nên, Trung Quốc cần phải tiếp tục đưa ra biện pháp ổn định tăng trưởng.

Chuyên gia Tào Dương của bộ phận thị trường tài chính thuộc Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải dự báo quý II/2015 là thời điểm thực hiện chính sách nới lỏng toàn diện, trong đó các biện pháp kích thích xuất khẩu có thể bao gồm: Nâng giá đồng NDT có thể lên mức 6,4 NDT đổi 1 USD; Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc sẽ tăng mạnh nghiệp vụ cho vay thương mại để thực hiện chiến lược “một vành đai, một con đường” (vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21), cung cấp tiền vốn cho các doanh nghiệp Trung Quốc “tiến ra bên ngoài.”

Ngoài ra, các bộ, ngành như Bộ Thương mại, Bộ Tài chính… có thể nâng mức hoàn thuế xuất khẩu để duy trì lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục