Theo Reuters, một số chuyên gia công nghiệp Trung Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương-981(Haiyang 981), từng được Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) gọi là "lãnh thổ quốc gia di động", sẽ được di chuyển tới khu vực khác trên Biển Đông sau khi hoàn tất hoạt động thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa.
Theo các chuyên gia này, những khu vực đó có thể bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng của Đại học Hạ Môn kiêm cố vấn Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, ông Lâm Bá Cường (Lin Boqiang) cho biết: "Giàn khoan này được chế tạo để khai thác dầu ở Biển Đông. Nó sẽ di chuyển các vùng nước sâu tại các khu vực khác trên Biển Đông".
Còn Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông - một tổ chức cố vấn của chính phủ Trung Quốc trên đảo Hải Nam, ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) khẳng định: "Tại thời điểm này, nơi giàn khoan đang hoạt động nhiều khả năng là một mỏ khí đốt. Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát địa chất ba chiều (3D) trước khi đưa giàn khoan tới đó".
Theo ông Ngô, Bắc Kinh đang gửi một tín hiệu rõ ràng tới cộng đồng quốc tế rằng họ có khả năng thực hiện khai thác ở vùng nước sâu, bất chấp việc bị phản đối mạnh mẽ.
Việc làm của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, bởi vị trí của giàn khoan hiện nay nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có nhiều hành động nguy hiểm, gây hấn, cản trở các tàu chấp pháp của Việt Nam. Hành vi đó đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động gây căng thẳng tại Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật Biển 1982./.