Trung Quốc có thể cạnh tranh với Nhật Bản trong cuộc đua Chủ tịch ADB

Với tư cách là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho ADB cùng với Mỹ, Nhật Bản vẫn kiểm soát chiếc ghế Chủ tịch ADB kể từ khi ngân hàng này được thành lập vào năm 1966.
Trung Quốc có thể cạnh tranh với Nhật Bản trong cuộc đua Chủ tịch ADB ảnh 1Ngân hàng Phát triển châu Á. (Nguồn: glassdoor.co.in)

Theo tờ Nikkei Asia Review, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao sẽ sớm thông báo ý định từ chức và điều này có thể sẽ dẫn tới sự bất đồng giữa Tokyo và Bắc Kinh trong việc lựa chọn người kế nhiệm ông Nakao.

Tân Chủ tịch ADB có thể sẽ bắt đầu đảm nhận trọng trách vào khoảng đầu năm 2020. Các ứng cử viên cần phải giành ít nhất 50% số phiếu từ các thành viên của ADB trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch.

Với tư cách là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho ADB cùng với Mỹ, Nhật Bản vẫn kiểm soát chiếc ghế Chủ tịch ADB kể từ khi ngân hàng này được thành lập vào năm 1966.

Lần này, Nhật Bản dự định sẽ đề cử cố vấn đặc biệt của Chính phủ Masatsugu Asakawa, người đã từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản trong thời gian bốn năm.

[Ngân hàng Phát triển châu Á mở rộng hoạt động trong khu vực tư nhân]

Tuy nhiên, một quan chức của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết Trung Quốc có thể sẽ đề cử một ứng cử viên khác. Trung Quốc là nước đóng góp tài chính lớn thứ ba cho ADB và cũng là một trong những nước vay nhiều nhất từ ngân hàng này.

Năm 2018, Bắc Kinh đứng thứ tư về các khoản vay mới. Ông Nakao đã bắt đầu giữ chức Chủ tịch ADB kể từ tháng 4/2013. Năm 2016, ông Nakao được kéo dài thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

Năm 2017 ADB sáp nhập nguồn vốn của Quỹ Phát triển châu Á (ADF) và nguồn vốn thông thường, qua đó giúp tăng nguồn cung tín dụng.

Bên cạnh đó, ông Nakao cũng tăng cường tài trợ cho các sáng kiến về khí hậu và thông báo các kế hoạch mở rộng hoạt động của ADB sang các lĩnh vực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe theo Chiến lược 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục