Trung Quốc có 'sốt ruột' trong đàm phán thương mại với Mỹ?

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức 3 hội nghị, được cho là nhằm tạo bước đệm cho đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng cũng thể hiện rõ việc sẵn sàng ứng phó với mọi khả năng xảy ra.
Đoàn đàm phán của Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) ở Osaka (Nhật Bản), không ngừng xuất hiện đồn đoán rằng Washington và Bắc Kinh sớm nối lại đàm phán thương mại vốn đã bị đổ vỡ hồi đầu tháng 5/2019.

Tuy nhiên, hết tuần này tới tuần khác trôi qua, người ta chỉ thấy các cuộc điện đàm song phương xuất hiện cùng với các điều kiện “tiên quyết."

Thái độ của Mỹ và Trung Quốc đối với đàm phán thương mại đã dẫn tới không ít suy đoán, bao gồm việc Bắc Kinh có 'sốt ruột' đàm phán hay không. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức 3 hội nghị, được cho là nhằm tạo bước đệm cho đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng cũng thể hiện rõ việc sẵn sàng ứng phó với mọi khả năng xảy ra.

Theo tờ Economic Journal ngày 22/7, Bắc Kinh chuẩn bị bước vào mùa Hè, do đó số hội nghị mà chính phủ nước này tổ chức không nhiều. Nhưng tuần trước, Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức liên tiếp 3 hội nghị, bao gồm Hội nghị thường trực chính phủ, tọa đàm với các chuyên gia và doanh nghiệp về tình hình kinh tế do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì và hội nghị Ủy ban Phát triển ổn định tài chính Quốc vụ viện do Phó Thủ tướng Lưu Hạc chủ trì.

Các hội nghị này bề ngoài không có sự liên hệ trực tiếp với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng nội dung cốt lõi mà nó đề cập tới lại tạo bước đệm cho việc nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Về Hội nghị thường trực chính phủ, sau hội nghị này giới tài chính Trung Quốc bàn luận sôi nổi về chủ đề của hội nghị, đó là “kinh tế nền tảng” (platform economy). Nguyên nhân là do hội nghị đã đề ra một số sắp xếp cũng như biện pháp mới nhằm hỗ trợ kinh tế dựa trên nền tảng Internet phát triển lành mạnh. Nhưng một chủ đề khác của hội nghị là tăng cường hơn nữa công tác bảo hộ bản quyền tri thức lại không nhận được sự coi trọng tương ứng. Trong khi đó, hội nghị xác định mặt công tác này không chỉ phải tiếp tục tăng cường, mà còn định vị nó ở tầm mức rất cao, do Trung ương Đảng và chính phủ bố trí.

Thậm chí, hội nghị còn định ra thời gian biểu (trước cuối năm nay) cho việc hoàn thành 3 mặt công tác lớn trong lĩnh vực bảo hộ bản quyền tri thức, gồm: tăng cường chấp pháp, thúc đẩy sửa đổi pháp luật và nâng cao năng lực thẩm tra.

Theo chuyên gia thuộc các bộ ngành liên quan, bảo vệ bản quyền tri thức là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, do đó việc bố trí của thường trực chính phủ Trung Quốc trên phương diện này trực tiếp liên quan tới nội dung nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

[Mỹ hy vọng vào vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc]

Về cuộc tọa đàm với chuyên gia và doanh nghiệp về tình hình kinh tế do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, đây là hội nghị thường niên được tổ chức vào giữa năm. Các vấn đề tọa đàm thường liên quan tới ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cuộc tọa đàm lần này được ông Lý Khắc Cường định vị là hội nghị “hóa giải nhiều vấn đề nan giải," đứng đầu là “thiết thực thực thi các biện pháp tinh giản thủ tục hành chính, tăng cường giao quyền cho cấp dưới, nâng cao năng lực giám sát quản lý và chất lượng dịch vụ, xây dựng môi trường kinh doanh thị trường hóa, pháp trị hóa, quốc tế hóa."

Đóng góp quan trọng của ông Lý Khắc Cường đối với kinh tế Trung Quốc chính là sau khi lên nắm quyền, ông đã ra sức thúc đẩy cải cách, tinh giản thủ tục hành chính, tăng cường giao quyền cho cấp dưới, nâng cao năng lực giám sát quản lý và chất lượng dịch vụ. Cuộc tọa đàm lần này đã nêu nhiệm vụ mới trong lĩnh vực nói trên. Hơn nữa, nhiệm vụ mới này nhấn mạnh tới các yếu tố thị trường hóa, pháp trị hóa và quốc tế hóa, đặc biệt là nguyên tắc “bình đẳng, tiện lợi và quy phạm." Tất cả đều là những nội dung cốt lõi gây tranh cãi trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Về hội nghị của Ủy ban Phát triển Ổn định Tài chính Quốc vụ viện, đây là hội nghị lần thứ 6. Các hội nghị trước đây thường diễn ra theo phương thức “có vấn đề cần bàn mới tổ chức hội nghị." Lần này, hội nghị dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban, nhằm bố trí các mặt công tác trọng điểm trong lĩnh vực tài chính.

Đáng quan tâm là việc hội nghị đưa ra 11 biện pháp mở cửa trong lĩnh vực tài chính. Nội dung của các biện pháp này bao gồm việc cho phép cơ cấu đầu tư nước ngoài khi triển khai nghiệp vụ đánh giá tín dụng ở Trung Quốc có thể đánh giá tất cả các loại trái phiếu trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng và thị trường trái phiếu thuộc sở giao dịch; khuyến khích tổ chức tài chính ngoài lãnh thổ Trung Quốc tham gia và thiết lập công ty con quản lý tài sản, đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng thương mại...

Nguyên tắc của 11 biện pháp mở cửa lĩnh vực tài chính là “nên nhanh, không nên chậm, nên sớm, không nên muộn” vì đại đa số các biện pháp này đều có liên quan với các vấn đề trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục