Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc nghiên cứu về pin mặt trời perovskite, một giải pháp thay thế cho công nghệ chủ đạo hiện nay có thể khiến năng lượng tái tạo trở nên phổ biến hơn.
Một nghiên cứu của Nhà cung cấp Phân tích Dữ liệu Fronteo có trụ sở tại Tokyo cho biết kể từ năm 2019, Trung Quốc đã công bố hơn 5.500 bài báo học thuật quốc tế về tấm perovskite, chiếm khoảng 30% trong tổng số bài viết của 10 quốc gia hàng đầu, nhiều hơn số lượng 3.400 bài báo của Mỹ ở vị trí thứ hai và Hàn Quốc xếp thứ 3 với khoảng 1.460 bài báo.
Nhật Bản có khoảng 820 bài báo học thuật được công bố trong khoảng thời gian nói trên.
Phân tích của Fronteo bao gồm hơn 38.000 bài báo về pin perovskite được xuất bản từ năm 2010 đến tháng 3/2022. Đối với các số liệu kể từ năm 2019, Fronteo đã xem xét bài báo của các tác giả có liên kết không thay đổi để đưa ra các con số cho mỗi quốc gia.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về số lượng bài báo về perovskite vào năm 2014 và nới rộng khoảng cách với nước đứng thứ hai.
Mỏng hơn và nhẹ hơn đáng kể so với các loại pin silicon thông thường, pin mặt trời perovskite màng mỏng rất linh hoạt, giúp chúng dễ dàng lắp đặt trên các bề mặt như bên ngoài của bức tường và nóc xe điện. Kể từ khi được nhóm nghiên cứu do Nhật Bản dẫn đầu phát triển vào năm 2009, pin perovskite đã trở thành đề tài của khoảng 80% các nghiên cứu về pin mặt trời bên ngoài Nhật Bản.
[EU kỳ vọng vào nhà máy pin điện Mặt Trời lớn nhất châu Âu]
Nhiều nghiên cứu trong số đó liên quan đến việc tăng cường độ bền và mở rộng việc sử dụng vật liệu, cũng như các giải pháp kỹ thuật khác để thúc đẩy thương mại hóa.
Các tấm pin mặt trời phổ biến hiện nay hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách sản xuất pin perovskite trong nước mà không phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhà sản xuất nhựa Nhật Bản Sekisui Chemical sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt pin perovskite vào năm 2030 nhằm bắt kịp các đối thủ Trung Quốc.
Trung Quốc duy trì vị trí vượt trội về nghiên cứu pin mặt trời perovskite trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Mỹ gia tăng liên quan tới các công nghệ mới nổi với các ứng dụng quân sự tiềm năng.
Trong số các nghiên cứu kể từ năm 2019, có 14% số các nghiên cứu là đồng tác giả với sự tham gia của các nhà khoa học từ các tổ chức của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu từ Nhật Bản, Mỹ và các nước khác.
Fronteo cũng phân tích các đơn đăng ký bằng sáng chế được nộp tại Mỹ như một cách để đánh giá nghiên cứu đã dẫn đến thương mại hóa như thế nào.
Từ năm 2019, Mỹ dẫn đầu với 275 đơn, tiếp theo là Nhật Bản với 186 đơn. Trung Quốc xếp thứ 4 với 59 đơn đăng ký./.