Trung Quốc có kế hoạch củng cố ngành điện hạt nhân

Trung Quốc sẽ “bật đèn xanh” cho việc sáp nhập 2 "gã khổng lồ" ngành điện hạt nhân của nước này, nhằm củng cố ngành điện hạt nhân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: wsj.com)

Theo tờ China Daily, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ “bật đèn xanh” cho việc sáp nhập hai "gã khổng lồ" trong ngành điện hạt nhân của nước này, một động thái nhằm củng cố ngành điện hạt nhân và thúc đẩy việc thành lập các liên doanh ở nước ngoài.

Nguồn tin trên nói rằng đề xuất sáp nhập China Power Investment Corp (CPIC) và State Nuclear Power Technology Corp (SNPTC) được đưa ra lần đầu tiên hồi tháng 4/2014 và đến đầu năm nay đã được hai công ty chấp thuận.

Phát biểu tại diễn đàn điện hạt nhân tuần trước tại Nam Phi, Wang Binghua, Chủ tịch của SNPTC, cho biết sau khi sáp nhập, doanh nghiệp mới sẽ có tên State Power Investment Group, với tài sản hơn 700 tỷ nhân dân tệ (khoảng 113 tỷ USD) và doanh thu hàng năm hơn 200 tỷ nhân dân tệ.

Ông Wang khẳng định việc sáp nhập sẽ tạo thêm động lực cho việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân thế hệ thứ ba của Trung Quốc sang Nam Phi.

Ông này nhấn mạnh Nam Phi là sự lựa chọn cho công nghệ hạt nhân tiên tiến thế hệ thứ ba và bày tỏ tin tưởng rằng họ sẽ trở thành đối tác lâu dài, trung thành của các công ty hạt nhân Nam Phi.

Năm 2014, Nuclear Energy Corp of South Africa của Nam Phi đã ký một thỏa thuận phát triển và đào tạo kỹ năng với SNPTC, tạo cơ hội cho giới trẻ Nam Phi nghiên cứu sâu hơn về năng lượng hạt nhân và các lĩnh vực chuyên ngành khác tại các trường đại học của Trung Quốc, với 95% số vốn tài trợ đến từ các tổ chức của Trung Quốc.

Ông Wang cho rằng đây là bước tiến quan trọng đối với sự hợp tác điện hạt nhân giữa Trung Quốc và Nam Phi, nước có kế hoạch chi 1.000 tỷ rand (khoảng 93 tỷ USD) xây 6 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2030.

Các chuyên gia cho rằng việc sáp nhập sẽ tạo cú hích cho xuất khẩu hạt nhân Trung Quốc, đồng thời cũng kích hoạt việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới.

SNPTC được thành lập năm 2007 nhằm giới thiệu công nghệ điện hạt nhân thế hệ thứ ba như AP1000 của Westinghouse Electric Corp có trụ sở ở Mỹ. Tuy nhiên, công ty này không có giấy phép xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, trong khi CPIC sở hữu một trong ba giấy phép vận hành hạt nhân duy nhất ở Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục