Theo AP, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính toàn cầu cho rằng Bắc Kinh nên ép Washington kết thúc cuộc chiến thuế quan bằng cách hạn chế xuất khẩu những thiết bị và mặt hàng mà các doanh nghiệp Mỹ cần.
Theo báo chí đưa tin ngày 17/9, những bình luận của ông Lou Jiwei, cựu Bộ trưởng Tài chính và cựu Chủ tịch Quỹ Đầu tư Trung Quốc, được đưa ra sau khi có thông tin các nhà quản lý đang gây sức ép với các công ty Mỹ bằng cách làm chậm tiến trình phê duyệt thuế quan và đẩy mạnh việc thanh tra môi trường và các lĩnh vực khác.
Một tờ báo chính thức đã đưa ra các biện pháp tích cực hơn để "khiến Mỹ đau đớn hơn" sau khi cả hai bên quyết định áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của nhau.
Bắc Kinh đang xem xét lời mời của Washington đưa ra hồi tuần trước về việc tái khởi động các cuộc đàm phán liên quan đến chính sách công nghệ của Trung Quốc và các kế hoạch phát triển của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực robot và các lĩnh vực khác.
Các quan chức Mỹ cho biết những kế hoạch này vi phạm các cam kết mở cửa thị trường của Bắc Kinh và lo ngại rằng chúng có thể làm suy yếu vai trò đầu tàu của công nghiệp Mỹ.
Trang mạng Sina.com đưa tin phát biểu tại một diễn đàn kinh tế hôm 16/9, ông Lou tuyên bố Bắc Kinh nên phá vỡ chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ vốn phụ thuộc vào các ngành chế tạo lớn của Trung Quốc.
Theo ông Lou, "chiến lược phản công của Trung Quốc cần hạn chế xuất khẩu sang Mỹ cũng như "nhập khẩu hàng hóa Mỹ."
Ông nói: "Chỉ khi biết đến nỗi đau trong giao tranh mới ngăn chặn được cuộc chiến thương mại và khiến Mỹ đàm phán một cách nghiêm túc."
[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tác động xấu tới kinh tế thế giới]
Tuần trước, chính phủ Trung Quốc cho biết họ hoan nghênh đề xuất của Washington về việc tiếp tục đàm phán, mặc dù không bên nào đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng thỏa hiệp.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem kế hoạch phát triển công nghiệp của họ như một con đường dẫn tới thịnh vượng và ảnh hưởng toàn cầu.
Trung Quốc muốn đàm phán dựa trên "sự tin tưởng lẫn nhau," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Geng Shuang nói.
Nhà ngoại giao này không trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu Bắc Kinh có rút lại cam kết nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump xúc tiến đề xuất áp thuế bổ sung trị giá 200 triệu USD đối với các mặt hàng của Trung Quốc hay không.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Geng cho biết nếu Mỹ có động thái này, "Trung Quốc sẽ phải đưa ra những biện pháp trả đũa cần thiết."
Nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa xác nhận các bước nào khác ngoài việc áp thuế trả đũa mà họ có thể đưa ra. Nhưng họ dọa sẽ có "các biện pháp toàn diện" khi Bắc Kinh cạn kiệt hàng nhập khẩu vì các biện pháp trừng phạt do cán cân thương mại mất cân bằng với Mỹ.
Các nhà bình luận khác đã gợi ý Bắc Kinh sử dụng các khoản nợ trái phiếu của Chính phủ Mỹ hoặc nhắm mục tiêu vào các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Theo The Global Times, trang báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo rằng Trung Quốc coi cuộc xung đột công nghệ là một cuộc chiến lâu dài.
Báo này cho biết: "Trung Quốc sẽ chọn cách thuận lợi nhất và mạnh mẽ nhất để trả đũa. Chúng tôi trông đợi một cuộc phản công đẹp hơn sẽ khiến cho nỗi đau của người Mỹ tồi tệ hơn."
Trang mạng Sina.com và các báo khác không cho biết liệu ông Lou có đề xuất các sản phẩm hay ngành công nghiệp cụ thể mà Bắc Kinh có thể nhắm tới hay không.
Tuần trước, các Văn phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc và Thượng Hải cho biết 52,1% trong số hơn 430 công ty tham gia một cuộc khảo sát cho biết chính quyền Trung Quốc đang bắt họ chịu "các biện pháp định lượng" bao gồm thanh toán thuế quan chậm hơn, tăng cường thanh tra và các thủ tịch hành chính quan liêu./.