Trung Quốc đã chính thức phát mạng 5G trước thời hạn vào thứ Sáu 1/11, trong một bước đi được cho là giúp quốc gia đông dân nhất thế giới vượt lên trong cuộc đua triển khai mạng dữ liệu di động thế hệ tiếp theo, đặc biệt với Mỹ.
5G hứa hẹn tốc độ dữ liệu siêu nhanh có khả năng hỗ trợ các công nghệ như xe tự hành.
China Telecom, China Unicom và China Mobile đều công bố các gói thuê bao 5G có giá khởi điểm khoảng 128 nhân dân tệ (18 USD) mỗi tháng, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng mức giá này vẫn có thể quá cao để phổ biến trên diện rộng.
Các dịch vụ được cung cấp bởi các nhà mạng di động ở Trung Quốc đều tương tự nhau và lên tới khoảng 599 nhân dân tệ mỗi tháng cho 300 gigabyte dữ liệu và 3.000 phút gọi.
Ban đầu, các nhà mạng Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai 5G thương mại vào năm 2020, nhưng khung thời gian này đã được điều chỉnh sớm hơn.
Giới phân tích cho rằng, diễn biến trên phần nào xuất phát từ cuộc chiến thương mại Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra, nay dần mở rộng thành một cuộc chiến về uy quyền công nghệ.
Không gian 5G là một trong những chiến trường quan trọng và đã trở thành một chủ đề mang tính chính trị. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hồi đầu năm nay, "cuộc đua tới 5G đang diễn ra và nước Mỹ phải giành chiến thắng."
Mỹ cũng đã gây áp lực lên nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei và cáo buộc thiết bị của hãng này gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia vì nó có thể được Bắc Kinh sử dụng cho hoạt động gián điệp. Washington cũng đang tìm cách thuyết phục các quốc gia khác cấm công ty Trung Quốc tham gia cung cấp hạ tầng mạng 5G. Chính phủ Trung Quốc và Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc vô căn cứ của Mỹ.
Theo Tân Hoa xã, dịch vụ mạng 5G thương mại hiện đã có mặt tại 50 thành phố của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.
Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất triển khai mạng 5G trên toàn quốc. Tại Mỹ, AT&T, Verizon, T-Mobile và Sprint và đã ra mắt mạng 5G nhưng chỉ ở một số thành phố nhất định.
Thử thách 5G phía trước
Trung Quốc đang trên đường trở thành thị trường 5G lớn nhất thế giới. Theo cơ quan công nghiệp di động GSMA, quốc gia này sẽ chiếm số lượng kết nối 5G lớn nhất vào năm 2025, lớn hơn cả Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại. Theo Jefferies, Trung Quốc sẽ có 110 triệu người dùng 5G vào năm 2020.
Trong khi sự phấn khích từ thị trường xung quanh việc giới thiệu 5G, Trung Quốc vẫn còn đối mặt với một số thách thức.
Dịch vụ 5G tại Trung Quốc đã được định giá rẻ hơn 4G trên cơ sở mỗi gigabyte. Mặc dù vậy, các nhà phân tích vẫn lo ngại rằng mức giá 5G có thể quá cao.
Nhà phân tích Edison Lee của Jefferies cho biết các dịch vụ 5G của Trung Quốc trên mỗi gigabyte gần giống như Hàn Quốc, mặc dù nước này có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi các kế hoạch giá 5G của Trung Quốc đưa ra mức giá trung bình cho mỗi GB (0,39 USD) gần giống với Hàn Hàn (0,38 USD)," ông Lee viết.
"Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn 69% so với Hàn Quốc, và như vậy mức giá trung bình tương tự có nghĩa là Trung Quốc sẽ có mức thâm nhập mạng 5G thấp hơn Hàn Quốc," ông Lee nói thêm.
Một thách thức khác là thiếu thiết bị hỗ trợ mạng 5G trên thị trường.
Ở phân khúc cao cấp, Huawei có các thiết bị Mate 20 X 5G và Mate 30 có thể kết nối với các mạng thế hệ tiếp theo trong khi Note 10+ của Samsung cũng hỗ trợ. Tuy nhiên, các sản phẩm điện thoại này đều có mức giá bán cao hơn mức thu nhập của đại đa số người tiêu dùng Trung Quốc.
Các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi, Vivo và ZTE cũng có điện thoại kết nối 5G, song mức độ phổ biến chưa cao.
Cuối cùng, các nhà mạng sẽ cần thuyết phục người dùng về nhu cầu chuyển sang 5G. Một số nhà mạng Trung Quốc đã giảm giá cho một số thiết bị nhất định để thúc đẩy người tiêu dùng nâng cấp lên 5G.
Vấn đề thực sự là: Người tiêu dùng thực sự thấy gì về sự khác biệt lớn giữa 4G so với 5G? ... Đối với những gì rất nhiều người tiêu dùng thấy hiện nay, đó là "có rất ít, không có nhiều sự khác biệt," ông Vinod Nair, đối tác cao cấp của công ty tư vấn và đầu tư Delta Partners./.