Trung Quốc: Chiến lược “phát triển hướng Bắc” của Hong Kong

Với 7 cảng đường bộ xuyên biên giới, “khu đô thị phía Bắc” là khu vực quan trọng nhất để thúc đẩy hội nhập Hong Kong-Thâm Quyến và kết nối Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau (Trung Quốc).
Trung Quốc: Chiến lược “phát triển hướng Bắc” của Hong Kong ảnh 1Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, ngày 6/10, người đứng đầu Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã trình bày báo cáo điều hành chính sách cuối cùng trong nhiệm kỳ này (có dư luận cho rằng đây là cương lĩnh chính trị sơ bộ để tái tranh cử của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga), đưa ra “chiến lược phát triển khu đô thị phía Bắc,” muốn xây dựng một “khu đô thị phía Bắc.”

Khái quát về khu đô thị phía Bắc

Nằm ở phía Bắc Tân Giới, với diện tích khoảng 300 km2, khu đô thị phía Bắc bao gồm hai khu vực hành chính địa phương hiện nay là quận Nguyên Lãng và quận Bắc, một số thị trấn mới và vùng nông thôn liền kề đã phát triển, và một số khu vực phát triển mới thuộc các giai đoạn quy hoạch và xây dựng khác nhau.

Với 7 cảng đường bộ xuyên biên giới, “khu đô thị phía Bắc” là khu vực quan trọng nhất để thúc đẩy hội nhập Hong Kong-Thâm Quyến và kết nối Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau (Trung Quốc).

Sau khi toàn bộ khu đô thị phía Bắc phát triển hoàn chỉnh, sẽ có hơn 900.000 nhà ở với sức chứa khoảng 2,5 triệu người. Nơi đây sẽ xây dựng một trung tâm đổi mới công nghệ quốc tế, tăng khoảng 650.000 việc làm trong khu vực, bao gồm 150.000 vị trí việc làm liên quan đến đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, Hong Kong có kế hoạch xây dựng 5 dự án đường sắt, bao gồm tuyến đường sắt Tây Hong Kong-Thâm Quyến kết nối đến Tiền Hải, Thâm Quyến.

Tóm lại, khu đô thị phía Bắc sẽ là khu vực xây dựng đô thị và phát triển dân số sôi động nhất Hong Kong trong 20 năm tới. Vấn đề quan trọng hơn là nó thể hiện sự chuyển đổi tư duy phát triển theo xu hướng Hong Kong hội nhập với Trung Quốc Đại lục.

Bắc Tân Giới: Từ siêu thành phố tang lễ đến khu đô thị

Hong Kong mở cửa thông thương bắt đầu từ đảo Hong Kong, sau đó khai thác Cửu Long, tiếp đến là Tân Giới, phát triển từ Nam đến Bắc, xây dựng các đô thị mới từ Hong Kong, Cửu Long sang những khu vực mới xung quanh.

Người Hong Kong luôn coi Bắc Tân Giới nối liền với Trung Quốc Đại lục là ranh giới, và chính quyền Hong Kong cũng không ngoại lệ, minh chứng rõ ràng nhất chính là dự án “siêu thành phố tang lễ Sa Lãnh” gây tranh cãi.

Đây là dự án như thế nào? Sa Lãnh (Sandy) nằm ở Mằn Cẩm Độ (Man Kam To), khu vực cấm biên giới Hong Kong, chỉ cách trung tâm thương mại La Hồ của Thâm Quyến một con sông. Năm 2012, chính quyền Hong Kong đề xuất xây dựng “siêu thành phố tang lễ” ở đây, tích hợp nhà tang lễ, lò hỏa táng và nơi đặt tro cốt thờ tự, cung cấp dịch vụ trọn gói, ước tính có thể cung cấp hơn 200.000 nhà để tro cốt hỏa táng.

[Trung Quốc: Công bố kế hoạch phát triển đặc khu hành chính Hong Kong]

Trong quy hoạch ban đầu, có lẽ chính quyền Hong Kong chỉ cân nhắc đến việc một dự án như thế này nên tránh xa trung tâm thành phố Hong Kong có "đất quý như vàng" và kết quả là chọn đặt ở khu vực phía Bắc Tân Giới có mật độ dân số tương đối thấp.

Dữ liệu cho thấy, địa điểm lựa chọn của dự án “siêu thành phố tang lễ” cách cửa khẩu Mằn Cẩm Độ chỉ khoảng 5-7 phút đi bộ, nếu đi ô tô chỉ mất khoảng 2 phút, cách các khu dân cư và khu thương mại Thâm Quyến chỉ khoảng 300m.

Có lẽ người dân địa phương Thâm Quyến chắc chắn sẽ không hài lòng, bởi vì sau khi dự án hoàn thành, người dân sinh sống ở khu vực phụ cận không những nhìn thẳng vào thành phố tang lễ, mà các lò hỏa táng còn liên tục gây ô nhiễm không khí.

Kế hoạch ban đầu của chính quyền Hong Kong là trình Ủy ban Tài chính của Hội đồng lập pháp cấp kinh phí hoàn thành dự án vào quý II năm nay, nhưng bị cư dân mạng Thâm Quyến, truyền thông chính thống Bắc Kinh phản đối kịch liệt. Dự án được cho là không phù hợp với quy hoạch Vùng vịnh lớn do Trung Quốc thúc đẩy và sẽ cản trở sự hội nhập của hai bờ Hong Kong-Thâm Quyến.

Tháng Tư năm nay, khi trả lời chất vấn tại Hội đồng lập pháp, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga còn tuyên bố khó đảo ngược dự án quy hoạch hơn 10 năm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, giới thạo tin nhấn mạnh, với địa vị chiến lược quan trọng của Vùng vịnh lớn trong mắt Bắc Kinh, chính quyền Hong Kong có thể phải xem xét lại. Tờ Minh báo ngày 6/10 cũng đưa tin cho rằng dự án siêu thành phố tang lễ sẽ đảo ngược, xem xét lại địa điểm lựa chọn.

Điều này là do dưới tư duy phát triển mới, Bắc Tân Giới đã trở thành trung tâm của Vùng vịnh lớn, là vành đai vàng, thiên đường nghỉ dưỡng. Nếu như nói sự phát triển trước đây của Hong Kong là “tập trung ở phía Nam” thì trọng điểm phát triển trong tương lai sẽ là “kết nối với phía Bắc.” Một số chuyên gia phân tích Hong Kong gọi là “phát triển hướng Bắc.”

Theo Ủy viên Hội đồng lập pháp Hong Kong Kha Sang Thành (Wilson Or), giải quyết vấn đề nhà ở của Hong Kong, phát triển hướng Bắc là những mục tiêu không thể đảo ngược. Do đất đai chật hẹp nên Hong Kong ít phát triển những đô thị có quy mô lớn, quy hoạch chiến lược đối với Bắc Tân Giới mà báo cáo điều hành chính sách đưa ra không chỉ tìm được khu vực có thể phát triển, mà còn có lợi cho việc hội nhập vào sự phát triển của Vùng vịnh lớn.

Nhà kinh tế trưởng kiêm Giám đốc phân tích chiến lược của Công ty chứng khoán Hoa Hưng (China Renaissance Securities, Hong Kong), Bàng Mạc nhấn mạnh rằng trước đây trọng điểm xây dựng của Hong Kong tập trung ở Cửu Long và đảo Hong Kong, “phát triển hướng Bắc” là một tư duy mới.

Hơn nữa chi phí phát triển phía Bắc rẻ hơn so với việc lấn biển, đồng thời cũng có thể tránh các tranh cãi về vấn đề bảo vệ môi trường do lấn biển gây ra, chu kỳ phát triển nhanh hơn và ổn định hơn, đồng thời cũng đáp ứng khung chính sách quản lý vĩ mô Hong Kong hội nhập vào Vùng vịnh lớn.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia phân tích cho rằng, báo cáo điều hành chính sách chưa đưa ra thời gian biểu thực hiện cụ thể khu đô thị phía Bắc.

Chính trị cũng cần “hướng về phía Bắc”

Chuyên viên truyền thông cao cấp Trần Cảnh Tường nhấn mạnh, trước khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trình bày báo cáo điều hành chính sách, các quan chức của Văn phòng liên lạc của Chính phủ trung ương tại Hong Kong đến từ Bắc Kinh đã thâm nhập quần chúng cơ sở, lắng nghe ý kiến của người dân.

Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc của Chính phủ trung ương tại Hong Kong Lạc Huệ Ninh và một số vị Phó Chủ nhiệm liên tục nhiều ngày thăm hỏi những người thuê căn hộ chia nhỏ, đến quận Bắc gặp người dân, hộ kinh doanh.

Vào thời điểm ông Lạc Huệ Ninh thăm các căn hộ nhỏ trước thềm Quốc khánh 1/10, công khai tuyên bố “lãnh đạo trung ương nhiều lần nhấn mạnh, cần phải tăng cường giải quyết vấn đề nhà ở” ở Hong Kong.

Vấn đề nhà ở của Hong Kong đã không còn là vấn đề dân sinh, mà đã được nâng cấp thành vấn đề chính trị. Báo cáo điều hành chính sách có một mảng rất lớn đề cập đến việc tăng nguồn cung đất; đây chính là nút thắt của vấn đề nhà ở Hong Kong.

Tương tự, phát biểu của Phó Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc của Chính phủ trung ương tại Hong Kong Hà Tịnh trong thời gian thăm Bắc Tân Giới ngày 30/9 dường như cũng lấy chủ đề phát triển khu đô thị phía Bắc: “Hong Kong hội nhập vào Vùng vịnh lớn là xu thế tất yếu, đất đai ở khu vực biên giới Bắc Tân Giới dồi dào, giáp với Thâm Quyến, có giá trị kinh tế và giá trị chiến lược rất quan trọng. Tốc độ phát triển của Thâm Quyến rất nhanh, Hong Kong cũng phải đẩy nhanh tốc độ phát triển, tranh thủ thời gian, như vậy mới có thể phát huy đầy đủ tác dụng động lực trung tâm trong xây dựng Vùng vịnh lớn.”

Bắc Tân Giới chỉ cách khu hợp tác dịch vụ hiện đại Tiền Hải (Thâm Quyến-Hong Kong) của Thâm Quyến một bờ vịnh, hơn nữa “phương án Tiền Hải” vẫn là quy hoạch phát triển quan trọng do Trung Quốc xây dựng, mục tiêu năm 2035 rất rõ ràng, do đó trong 14 năm tới sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục