Trung Quốc chi 6.700 tỷ USD cho các ngành công nghiệp ít khí thải

Tổng đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp ít thải khí carbon đến năm 2030 dự kiến ở mức 41.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6.720 tỷ USD).
Bầu không khí ô nhiễm tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao về Khí hậu giữa các nhà lãnh đạo về lĩnh vực này của hai nước Mỹ-Trung, kết thúc ngày 16/9, đại diện phái đoàn Trung Quốc tại Hội nghị, ông Xie Zhenhua, cho biết tổng đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp ít thải khí carbon đến năm 2030 dự kiến ở mức 41.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6.720 tỷ USD).

Tại hội nghị, các quan chức của Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia đứng đầu thế giới về phát thải khí nhà kính, đã bàn thảo về các chiến lược và kinh nghiệm trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu ở hai nước.

Nhiều thành phố của Trung Quốc và Mỹ đã ký vào Tuyên bố Chung về khí hậu và chín thỏa thuận hành động khác, trong đó có thỏa thuận về Hợp tác khí hậu đô thị giữa bang California với Trung Quốc (CCUCC), hay Bản ghi nhớ về hiểu biết giữa các thành phố của tỉnh Thâm Quyến và thành phố Los Angeles.

Theo các thỏa thuận trên, khoảng 10 thành phố và các tỉnh của Trung Quốc cam kết đạt mức đỉnh về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào sớm hơn mốc năm 2030, trong đó Bắc Kinh và Quảng Châu nhất trí đạt các mục tiêu về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020, hoặc sớm hơn 10 năm so với kế hoạch quốc gia.

Ông Xie cho biết tháng 11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký Tuyên bố chung Trung-Mỹ về biến đổi khí hậu, trong đó nêu rõ các mục tiêu mà hai nước nhấn mạnh sẽ được hiện thực hóa bằng những hành động của chính phủ cũng như của các doanh nghiệp hai nước.

Bởi thế, theo ông, hội nghị này mở ra các cơ hội trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo về khí hậu của hai nước, đồng thời cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang hợp tác chặt chẽ để thực thi tuyên bố chung nói trên.

Ông Xie cũng cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm khí thải nhà kính trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thêm 60-65% từ mức của năm 2005, phấn đấu đưa nguồn năng lượng phi hóa thạch chiếm 20% trong tổng tiêu thụ năng lượng của nước này.

Ông cho hay trong vòng 10 năm qua, biến đổi khí hậu đã khiến mỗi năm có tới 2.000 người Trung Quốc bị chết và thương vong, gây thiệt hại trên 200 tỷ nhân dân tệ (31,4 tỷ USD).

Hiện có khoảng 39 triệu người làm việc trong ngành công nghiệp năng lượng mới của Trung Quốc và con số này sẽ tăng lên 69 triệu người vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục