Theo Australia Financial Review, quyết định đình chỉ kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới với giá trị huy động ước tính lên tới 37 tỷ USD của Ant Group được Bắc Kinh công bố chỉ hai ngày trước khi tập đoàn này chính thức ra mắt trên các sàn chứng khoán ở Thượng Hải và Hong Kong.
Trong bài viết đăng tải trên tờ Australia Financial Review, nhà báo Michael Smith tường thuật, hành động đình chỉ niêm yết đối với Ant Group, “gã khổng lồ” công nghệ tài chính do tỷ phú Jack Ma sáng lập, được đưa ra sau khi 4 trong số các nhà quản lý tài chính hàng đầu của Trung Quốc "tuýt còi" với lý do hoạt động cho vay trực tuyến sinh lời của Ant Group sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.
Liệu động thái này chỉ đơn thuần là để tăng cường khả năng quản lý rủi ro đối với thị trường tài chính trong nước, hay Bắc Kinh đang hướng tới một mục đích sâu xa hơn là tìm cách "kiểm soát" một trong những doanh nhân giàu nhất thế giới Jack Ma, người đang đứng giữa "lằn ranh" làm thế nào để trở thành một nhà tư bản thành công toàn cầu mà không làm mất lòng giới lãnh đạo tại quê nhà.
Động cơ của Bắc Kinh
Tại bài bình luận đăng tải trên tờ Bloomberg và được tuần báo Sydney Morning Herald dẫn lại, nhóm tác giả Enda Curran, Sofia Horta e Costa và Lulu Yilun Chen viết, thời điểm đưa ra quyết định "ngăn chặn" Ant Group một lần nữa cho thấy Trung Quốc luôn chú trọng ưu tiên sự ổn định tài chính và chính trị hơn là nhường quyền kiểm soát kinh tế quốc gia - đặc biệt là cho một công ty tư nhân.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc cho phép tiến hành IPO có thể khiến Ant Group gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính, làm gia tăng các nguy cơ rủi ro và suy yếu khả năng kiểm soát của nhà nước.
Vài tuần trước, tỷ phú Jack Ma đã "làm phật ý" các nhà quản lý trong nước khi so sánh hoạt động cho vay của các ngân hàng quốc doanh ở Trung Quốc với các tiệm cầm đồ.
Với khả năng tự chủ cao, Ant Group đang cố gắng tránh “giẫm chân” lên các ngân hàng do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, bằng cách tự lập hóa đơn với tư cách là một công ty công nghệ.
Tuy nhiên, hành động này của Ant Group và tỷ phú Jack Ma rõ ràng sẽ làm tổn hại đến nỗ lực của Trung Quốc trong việc trở thành địa điểm an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm rót vốn. Hơn nữa, hành động đó lại diễn ra vào đúng thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình đang thắt chặt kiểm soát nhà nước đối với khu vực tư nhân.
Victor Shih, Phó Giáo sư Đại học California San Diego, tác giả cuốn sách "Đảng phái và Tài chính ở Trung Quốc: Xung đột và Lạm phát trong giới tinh hoa," lý giải rằng Jack Ma đang tạo ra một đợt IPO lớn nhất thế giới, nhưng đó không phải là vấn đề lớn đối với Trung Quốc.
Phản ứng của các nhà đầu tư ngoại
Hành động "chặn" IPO của Ant Group sẽ làm tổn hại đến khả năng quảng bá Trung Quốc là một điểm đến tài chính hàng đầu cho khu vực và thế giới.
Đối với các nhà đầu tư ngoại, vụ việc của Ant Group đưa tới câu hỏi về khả năng tồn tại của Hong Kong và Thượng Hải, dưới tư cách là những trung tâm tài chính quốc tế cao cấp.
Nhất là vào tuần trước, trong kế hoạch 5 năm tiếp theo, Chính phủ Trung Quốc đã "đánh tín hiệu" sẽ tiếp tục thực hiện lời hứa trước đây về việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận tài chính nhiều hơn và dần dần nới lỏng kiểm soát đối với đồng nhân dân tệ và dòng vốn đầu tư.
Fraser Howie, một chuyên gia kinh tế nói: "Sự việc đưa tới một số tín hiệu, thường là xung đột. Các nhà đầu tư sẽ trở nên lo ngại về quá trình niêm yết tại Trung Quốc, các thông tin 'không được tiết lộ' và những động thái 'tùy tiện' từ các nhà quản lý."
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tại Trung Quốc đã lên tiếng phản bác lại các luận điểm trên và cho rằng thời điểm, cũng như hành động "ngăn chặn" của Bắc Kinh là hợp lý.
Các nhà quản lý Trung Quốc khẳng định mô hình kinh doanh của Ant Group cho phép tập đoàn này tính phí cao hơn cho mỗi giao dịch một cách hiệu quả, trong khi các ngân hàng nhà nước sẽ phải chịu hầu hết những rủi ro.
Cùng thời điểm Ant Group tổ chức niêm yết, các nhà quản lý Trung Quốc đang chạy đua để phát triển quy tắc buộc những công ty tài chính phải tuân thủ yêu cầu về số vốn pháp định cao hơn.
Họ cũng có kế hoạch tạo ra đồng nhân dân tệ điện tử, một phần trong nỗ lực duy trì quyền kiểm soát đối với sự ổn định của hệ thống thanh toán nội địa.
Dư luận tại Trung Quốc
Tại một hội nghị được tổ chức ở Thượng Hải ngày 24/10, tỷ phú Jack Ma đã đổ lỗi cho các cơ quan lập pháp toàn cầu vì quá tập trung vào vấn đề rủi ro. Ông cũng chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh đã kìm hãm sự đổi mới.
Phát biểu này được đưa ra sau khi Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn kêu gọi sự cân bằng giữa đổi mới tài chính và các quy định mạnh mẽ, để ngăn chặn rủi ro tài chính có thể xảy ra.
Andrew Batson, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Gavekal Research, nói: "Có vẻ như, dù cố ý hay không, ông Jack Ma đã công khai thách thức và chỉ trích cách tiếp cận của Chính phủ Trung Quốc đối với các quy định tài chính nội địa."
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc nêu bật lý do Ant Group bị "chặn" IPO là do không tuân thủ các yêu cầu quy định.
Những tờ báo này cũng phổ biến cơ chế giám sát thị trường mạnh mẽ và kiểm soát rủi ro để bảo vệ khách hàng của Chính phủ Trung Quốc.
Trong một bài xã luận đăng tải ngày 3/11, Nhật báo kinh tế Economics đã khẳng định việc IPO của Ant Group cho thấy "mọi liên kết của thị trường vốn phản ánh những quy định và phương pháp giám sát nghiêm túc."
[Trung Quốc bất ngờ ''chặn'' IPO của Ant Groupdo Jack Ma sáng lập]
Lv Changshun, nhà phân tích tại Công ty quản lý tư vấn Zhonghe Yingai ở Bắc Kinh, cho biết: "Điều đó được hiểu từ góc độ pháp lý rằng đây vẫn là một kết quả tốt hơn dành cho các nhà đầu tư, so với việc họ sẽ phải đối mặt với sự kiện 'thiên nga đen' diễn ra ngay sau thời điểm IPO. Các nhà hoạch định chính sách có thể chấp nhận sự đổi mới, nhưng điều đó không nên được trả giá bằng rủi ro hệ thống tài chính. Ngăn chặn rủi ro xảy ra là một trong những nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự cải cách nhiều hơn nữa của thị trường vốn."
Hoạt động quản lý tài chính tại Trung Quốc
Các nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường hoạt động giám sát các công ty tư nhân từ vài năm nay.
Năm 2018, ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã công bố Ant Group và một số công ty khác là các công ty nắm giữ tài chính.
Động thái đó khiến cho các công ty này bị giám sát chặt chẽ hơn vì vai trò ngày càng tăng trong dòng tiền và hệ thống dòng chảy tài chính quốc gia.
Cũng trong năm 2018, các nhà lập pháp Trung Quốc đã ban hành lệnh truy tố đối với tập đoàn bảo hiểm Anbang, một biểu tượng trong kỷ nguyên gần đây của các công ty Trung Quốc chuyên về mua bán và sáp nhập lớn, và bỏ tù cựu Chủ tịch tập đoàn này vì tội gian lận.
HNA Group và Tomorrow Holding sau đó bị nhà nước tiếp quản, trong khi tập đoàn China Evergrande Group vào tháng Chín vừa qua đã nhận được cảnh báo về cuộc khủng hoảng tiền mặt tiềm ẩn có thể tạo những rủi ro hệ thống cho Trung Quốc.
Với cá tính phô trương và thẳng thắn, tỷ phú Jack Ma có lẽ là doanh nhân nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Nhà tài phiệt toàn cầu này là cố vấn đặc biệt của Liên hợp quốc, người đã tranh luận trực tiếp với tỷ phú Elon Musk tại một số diễn đàn quốc tế, là người điều hành các cuộc họp hàng năm ở Davos.
Tỷ phú Jack Ma đã tạo ra hai công ty trị giá hàng trăm tỷ đôla và tự coi mình là một tấm gương cho các "anh chàng nhỏ bé" và các doanh nghiệp nhỏ khác.
Sau vụ việc "chặn" IPO, vào ngày 4/11, một số bình luận đăng tải trên nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc đã thể hiện phần lớn quan điểm không thiện cảm với ông Jack Ma.
Một người đăng ẩn danh trên mạng Weibo viết: "Nếu bạn không ra ngoài tìm kiếm rắc rối, rắc rối sẽ không tìm đến với bạn." Một người khác châm biếm rằng "đã đến lúc Jack Ma cần thức tỉnh, thường xuyên lắng nghe và nói ít hơn."
Tương lai IPO của Ant Group
Bất chấp việc công chúng giảm tín nhiệm đối với tỷ phú Jack Ma và "trận đòn uy tín đánh vào thị trường Trung Quốc," nhiều nhà đầu tư vẫn lạc quan về tương lai IPO của Ant Group.
Yêu cầu thanh khoản cao hơn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, nhưng không hẳn là một việc xấu đối với quá trình niêm yết của cổ phiếu đã được bán với giá cao hơn 50% trong các giao dịch tại thị trường xám, chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa một cách hợp pháp nhưng không chính thức, trước khi IPO.
Mặc dù vậy, đối với các nhà đầu tư toàn cầu, tình tiết mà Bắc Kinh đưa ra có khả năng củng cố quan điểm rằng bất kỳ biện pháp mở cửa nào cũng sẽ được hiệu chỉnh cẩn thận để có thể kiểm soát.
Điều này có thể còn quan trọng hơn nữa trong những năm tới, khi Trung Quốc tìm cách phát triển ngành công nghệ cốt lõi vốn đang đối mặt với áp lực gia tăng từ Mỹ./.