Trung Quốc đang cân nhắc việc buộc các nhà sản xuất nhôm và thép cắt giảm thêm sản lượng, cũng như cấm chuyên chở than đá tại một trong những cảng hàng đầu của nước này và đóng cửa một số nhà máy sản xuất thuốc và phân bón trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường nỗ lực đối với cuộc chiến chống khói bụi.
Hãng tin Reuters cho hay trong văn bản dự thảo chính sách, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc (MEP) đã đề xuất một số biện pháp bảo vệ môi trường. Nếu được thực thi đó sẽ là một trong những biện pháp quyết liệt nhất cho đến nay để giải quyết vấn đề chất lượng không khí tại các thành phố ô nhiễm nhất.
Động thái này diễn ra sau khi khu vực phía Đông Bắc của Trung Quốc phải chống chọi với tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất trong nhiều năm qua do khí thải từ ngành công nghiệp nặng, than đốt trong mùa Đông và giao thông vận tải tăng lên đã khiến các thành phố lớn trong đó có Bắc Kinh “ngập chìm” trong khói bụi dày đặc.
Văn bản này vạch ra các kế hoạch cắt giảm công suất thép và phân bón ít nhất khoảng 50% và công suất nhôm ít nhất khoảng 30% tại 28 thành phố trên năm khu vực trong mùa lạnh, thường kéo dài từ cuối tháng 11 năm nay đến cuối tháng Hai năm sau.
Đến tháng Bảy, Trung Quốc sẽ tạm ngừng hoạt động chuyên chở than ở Thiên Tân, một trong những cảng nhộn nhịp nhất của nước này, và chuyển sang Đường Sơn, cách 130km về phía Bắc. Năm 2016, cảng này trung chuyển 17% lượng than nhập khẩu của Trung Quốc. Đến tháng Chín, các cảng ở tỉnh Hà Bắc sẽ không được phép sử dụng xe tải để chở than đá từ đường sắt đến bến tàu.
Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm MEP sẽ đưa ra thực hiện kế hoạch trên - một trong những biện pháp cứng rắn nhất kể từ khi chính phủ triển khai chiến dịch đói phó với tình trạng ô nhiễm ba năm trước.
Trong một thông tin có liên quan, Tổ chức môi trường Greenpeace cho biết công suất sản xuất thép của Trung Quốc đã tăng trong năm 2016 bất chấp việc một số nhà máy lớn của nước này đã tạm dừng hoạt động.
Hồi đầu năm 2016, Trung Quốc đã thông báo ngừng sản xuất tới 150 triệu tấn thép thô mỗi năm trong vòng năm năm tới để giải quyết tình trạng nguồn cung dư thừa làm tác động đến giá thép.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu tiến hành cùng với Custeel, một công ty tư vấn liên kết với Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA), Greenpeace ước tính trong năm 2016, công suất sản xuất thép ròng đã tăng 36,5 triệu tấn, mà 80% trong số đó là ở các khu vực bị ô nhiễm nặng xung quanh thủ đô Bắc Kinh, trong đó có tỉnh Hà Bắc./.