Trung Quốc cần làm gì để hiện thực hóa tham vọng tại châu Phi?

Rõ ràng, sự nổi lên của Trung Quốc ở vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới - đặc biệt là vai trò của cường quốc châu Á này ở châu Phi - đang làm lung lay trật tự thế giới vốn có.
Trung Quốc cần làm gì để hiện thực hóa tham vọng tại châu Phi? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Mới đây, trên trang mạng dailymaverick.co.za, Greg Mills và Nicola Doyle của Quỹ Brenthurst - trung tâm nghiên cứu và tư vấn về kinh tế, thương mại, đầu tư danh tiếng tại Nam Phi - có bài viết cho rằng để hiện thực hóa các tham vọng tại châu Phi, Trung Quốc cần nhiều "vành đai và con đường" hơn.

Tiến sỹ Greg Mills, hiện là Giám đốc điều hành của Quỹ Brenthurst và từng tham gia tư vấn chính sách cho nhiều nước.

Nội dung bài viết như sau:

“Vành đai và Con đường" (BRI) là dự án nối liền một số hành lang trên biển và đất liền, liên kết châu Á với châu Âu, Trung Đông và Đông Phi. BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố lần đầu tiên vào năm 2013 và đến nay đã có gần 70 nước tham gia.

BRI được cho là sáng kiến cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích BRI thiếu chi tiết cụ thể, có "ý đồ u ám" và kế hoạch này sẽ đưa các nước vào "bẫy nợ" của Trung Quốc. Các học giả Trung Quốc đang ra sức bác bỏ những cáo buộc này.

Giáo sư Jiang Shixue, thuộc trường Đại học Thượng Hải, thẳng thắn bác bỏ những “chuyện tưởng tượng” như vậy khi trích dẫn tài liệu chính thống “Tầm nhìn và hành động cùng xây dựng Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đương tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” được công bố hồi tháng 3/2015, đề cập đến BRI trên năm lĩnh vực: điều phối chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thương mại, hợp tác tài chính và ngoại giao nhân dân.

Ông khẳng định trái với những nghi ngờ về động cơ thâu tóm và kiểm soát các nước khác, BRI mang tính “minh bạch, hướng tới thiết lập mô hình mới về hợp tác quốc tế và quản trị toàn cầu nhằm thúc đẩy kết nối và tăng cường quan hệ đối tác giữa các quốc gia trên thế giới."

Rõ ràng, sự nổi lên của Trung Quốc ở vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới - đặc biệt là vai trò của cường quốc châu Á này ở châu Phi - đang làm lung lay trật tự thế giới vốn có. Châu Phi sẽ không còn là lục địa nơi phương Tây "làm từ thiện." Giờ đây, Lục địa Đen là cơ hội kinh doanh. Đầu tư khai thác tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi hiện chiếm ưu thế, nhưng đầu tư vào lĩnh vực viễn thông và dịch vụ tài chính cũng chiếm tỷ trọng đáng kể.

Trong 2 thập kỷ qua, thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng từ 5 tỷ USD lên hơn 180 tỷ USD. Con số đó chưa nói lên tất cả. Guo Changgang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu của Thượng Hải, nhận định châu Phi đang tạo cơ hội để Trung Quốc phát triển một mô hình can dự với thế giới hoàn toàn khác so với trước, và thuật ngữ được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc để chỉ mô hình này là “cùng thắng."

Giáo sư Jiang của trường Đại học Thượng Hải cũng sử dụng ngôn ngữ tương tự để làm sáng tỏ mục tiêu của BRI khi cho rằng kế hoạch này không phải là sự hào phóng mang tính một chiều của Trung Quốc, mà là con đường hợp tác hai chiều.

Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ ý kiến cho rằng nước này đang áp dụng mô hình ràng buộc kiểu cũ, viện dẫn lý lẽ là cường quốc châu Á này không đưa ra các điều khoản chính trị kèm theo. Điều này dẫn đến một thách thức khác đối với Trung Quốc, đặc biệt là trong mối quan hệ với châu Phi.

Bất chấp sự diễn đạt về ngôn ngữ, mô hình “cùng thắng” ít dựa trên nền tảng trao đổi nhân dân mà chủ yếu dựa trên cơ sở các hội nghị thượng đỉnh liên chính phủ, chẳng hạn như Diễn đàn Hợp tác Trung-Phi (FOCAC) vừa được tổ chức tại Bắc Kinh tháng 9 vừa qua. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy 2/3 người dân châu Phi ưa thích dân chủ hơn bất kỳ hình thức tổ chức chính phủ nào khác. Người châu Phi có khả năng thay đổi lãnh đạo đất nước và đôi khi họ đã thực hiện điều đó. Do đó, Bắc Kinh sẽ phải triển khai thêm nhiều sáng kiến hơn, chứ không chỉ dựa vào các liên kết thượng đỉnh và chính phủ để duy trì mối quan hệ với các chế độ trên toàn châu Phi.

[Trung Quốc "ve vuốt" châu Phi bằng chính sách "ngoại giao bẫy nợ"?]

Thách thức chưa dừng lại ở đó. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng hàng năm của châu Phi đang tăng lên, từ 90 tỷ USD năm 2013 lên 150 tỷ USD vào thời điểm hiện nay. Trừ khi BRI được đầu tư thêm, nếu không châu Phi sẽ cần thêm nhiều nguồn để đáp ứng các mục tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng.

Để các nước châu Phi có thể phối hợp với những thiết chế đa phương, song phương và khu vực tư nhân, các bên cần không ngừng học hỏi cũng như có sự ứng xử khéo léo nhất định. Để có thể đạt được mục tiêu như dự kiến ban đầu, BRI sẽ cần nhiều con đường hai chiều và các vành đai khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục