Trung Quốc cam kết mục tiêu cắt giảm tới 65% lượng khí thải

Ngày 30/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết chính phủ nước này đã soạn thảo một văn kiện về các hành động tự nguyện cắt giảm khí thải.
Trung Quốc cam kết mục tiêu cắt giảm tới 65% lượng khí thải ảnh 1Cảnh khói mù bao phủ thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc ngày 9/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 30/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết chính phủ nước này đã soạn thảo một văn kiện về các hành động tự nguyện cắt giảm khí thải, theo đó đặt mục tiêu cắt giảm khí thải cácbon điôxit (CO2) trong thời gian từ nay đến năm 2030 cũng như tăng cường các biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Ông Lý Khắc Cường đưa ra thông báo trên trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris.

Trong văn kiện gửi tới Văn phòng Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Trung Quốc cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 60-65% lượng phát thải khí CO2 trên mỗi đơn vị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với năm 2005.

Ngoài ra, Bắc Kinh cam kết sẽ tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch trong các ngành năng lượng then chốt vào khoảng 20%, đồng thời tăng nguồn dự trữ gỗ tự nhiên vào khoảng 4,5 triệu m3 so với mức năm 2005.

Cũng tại cuộc gặp Tổng thống Hollande, Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ nỗ lực hết sức để đạt các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, trong đó có tăng cường năng lực chống rủi ro, dự báo và cảnh báo sớm, ngăn ngừa và giảm nhẹ thảm họa.

Trước đó, tại cuộc gặp ngày 29/6 giữa Thủ tướng Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), hai bên đã nhất trí hợp tác nhằm hướng tới một thỏa thuận chung tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris vào cuối năm nay.

Trung Quốc là một trong những nước có lượng phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới. Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm 40-45% lượng khí thải CO2.

Các nền kinh tế lớn khác trên thế giới như Nhật Bản cũng cam kết đến năm 2030 cắt giảm 26% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 2005.

Trong khi đó, EU cam kết cắt giảm 40% so với mức của năm 1990 và Mỹ cam kết đến năm 2025 cắt giảm 26-28% so với mức của năm 2005./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục