Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tổ chức tại Ai Cập, Đặc phái viên hàng đầu Trung Quốc về vấn đề khí hậu, ông Giải Chấn Hoa ngày 8/11 cho biết nước này sẽ không từ bỏ cuộc chiến chống sự ấm lên toàn cầu, một ngày sau khi Bắc Kinh và Washington bị hối thúc phải đẩy mạnh các nỗ lực liên quan đến vấn đề này.
Ông Giải Chấn Hoa cho rằng các cuộc khủng hoảng về năng lượng, lương thực đã liên tiếp tác động tới thế giới và tiến trình hành động chống biến đổi khí hậu đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Trung Quốc đang tích cực đối phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động bền vững và thực tế. Trung Quốc cũng sẽ tham gia tích cực vào vấn đề quản trị toàn cầu. Ông Giải Chấn Hoa nhấn mạnh Trung Quốc hy vọng các nước đang phát triển sẽ đi đầu trong việc gia tăng hiệu quả các mục tiêu giảm lượng khí thải và đạt trung hòa carbon đúng hạn.
[COP 27: Thúc đẩy toàn cầu ứng phó với khủng hoảng khí hậu]
Năm ngoái, Trung Quốc cam kết hợp tác để thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu trong thập kỷ này thông qua các cuộc gặp thường xuyên để giải quyết cuộc khủng hoảng về khí hậu.
Tuy nhiên, tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã dừng hợp tác về vấn đề khí hậu với Mỹ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Phát biểu tại Hội nghị COP27 ngày 7/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói rằng Trung Quốc và Mỹ cần có trách nhiệm đặc biệt trong việc tham gia vào “hiệp ước lịch sử” để tăng cường hơn nữa nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trung Quốc, quốc gia đứng cùng Mỹ trong danh sách hai nước phát thải lượng khí thải CO2 nhiều nhất thế giới, nên chính sách khí hậu của nước này có tác động lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã đệ trình lên Liên hợp quốc kế hoạch mới nhằm cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bắc Kinh cam kết sẽ đưa lượng khí phát thải lên mức cao nhất trước năm 2030 sau đó giảm dần và đạt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060 và giảm trên 65% mật độ carbon trong mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc cũng sẽ tăng tỷ trọng sử dụng nhiên liệu không hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên 25%, tăng 5% so với mức đã cam kết trước đó.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có kế hoạch tăng trữ lượng rừng thêm 6 tỷ m3 so với mức năm 2005 và "nâng tổng công suất lắp đặt điện gió và Mặt Trời lên hơn 1,2 tỷ KW vào năm 2030."./.