Trung Quốc: Các nước phát triển thiếu ý chí chính trị về khí hậu

Quan chức Trung Quốc cảnh báo các quốc gia phát triển làm quá ít để cung cấp hỗ trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đây là vấn đề lớn nhất thách thức nỗ lực quốc tế trong vấn đề này.
Khói bốc lên tại một nhà máy nhiệt điện ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên tại một nhà máy nhiệt điện ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nước phát triển, trong đó có Mỹ, đang làm quá ít để kiềm chế tình trạng toàn cầu nóng lên.

Lời cảnh báo trên được Trung Quốc đưa ra ngày 27/11 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP25, dự kiến diễn ra vào tháng 12 tại Madird (Tây Ban Nha).

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là nước có lượng khí phát thải khí CO2 lớn nhất song Bắc Kinh nhiều lần hối thúc các nước phát triển cần đi đầu trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về khí hậu.

Tại một cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Hệ sinh thái Trung Quốc Triệu Anh Mẫn cảnh báo các quốc gia phát triển thiếu "ý chí chính trị" để cung cấp hỗ trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đây là vấn đề lớn nhất thách thức nỗ lực quốc tế trong vấn đề này.

Ông kêu gọi các nước phát triển tôn trọng những cam kết tài chính, trong đó có hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020, cho các nước bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

[LHQ cảnh báo sự thất bại trong mục tiêu hạn chế nhiệt độ ở 1,5 độ C]

Theo một báo cáo của Bộ Môi trường và Hệ sinh thái Trung Quốc, nước này đã giảm 45% lượng khí carbon phát thải ra môi trường trong thời gian từ năm 2005-2018. Tuy nhiên một báo cáo khác của Liên hợp quốc lại cảnh báo lượng khí carbon tại Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng, trong khi một nghiên cứu riêng rẽ khác hồi đầu tháng này cho biết các nhà máy nhiệt điệt chạy bằng than tại Trung Quốc có công suất tương đương với công suất của toàn bộ các nhà máy điện tại châu Âu.

Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) đề xuất việc đánh thuế carbon tại khu vực biên giới, theo đó sẽ áp mức thuế cao hơn đối với các hàng hóa nhập khẩu được sản xuất trong các quá trình gây hiệu ứng nhà kính ở mức cao.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Môi trường và Hệ sinh thái Trung Quốc nhận định một số nước phát triển không "hoan nghênh" biện pháp này vì cho rằng việc áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ cản trở cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết bài toán biến đổi khí hậu.

Trước đó, Liên hợp quốc cảnh báo thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội đảo ngược các thảm họa khí hậu nếu không có hanh động giảm hoàn toàn và ngay lập tức khí phát thải từ nhiên liệu hóa thạch.

Nhiều nhóm hoạt động vì khí hậu cho rằng Mỹ và các nước châu Âu phải chịu hơn một nửa chi phí trong việc khắc phục những thiệt hại môi trường hiện nay do lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều năm trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục