Trung Quốc: Các “cuộc chiến đất” gây công phẫn

Vụ những tên côn đồ được thuê để tấn công nông dân, buộc họ rời khỏi mảnh đất sinh sống đã làm dư luận Trung Quốc rất công phẫn.
Tháng trước, ngôi làng Hewan ở thành phố Phi Châu, quận Giang Tô, miền Bắc Trung Quốc, đã trải qua một ngày kinh hoàng. Khoảng 200 tên côn đồ, lăm lăm dao, gậy ồ ạt tấn công những người dân vô tội với mục đích buộc họ phải rời khỏi mảnh đất đang sinh sống.

Bi kịch đã xảy ra với Li Dongdong, một nông dân 22 tuổi. Trong khi cố bảo vệ mảnh đất nhỏ của mình, anh đã bị đánh chết.

Li sắp làm đám cưới và một ngày trước vụ tấn công bạo lực ngày 7/1, anh vừa đi chụp ảnh cưới với hạnh phúc tràn trề.

Câu chuyện tang thương đó nhanh chóng xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã ngày 18/1 cho biết hàng trăm tên côn đồ trên làm “nhiệm vụ” hộ tống cho những xe ủi đất đến san lấp mặt bằng cho một dự án nhà máy hóa chất. Nông dân vùng này chỉ được đền bù không đáng kể, thấp hơn nhiều giá trị thị trường.

Ai đứng sau vụ bạo lực?

Ngày 21/1, Tân Hoa Xã đưa tin Sun Xiaojun, Bí thư làng Hewan bị tình nghi là người tổ chức vụ đàn áp dã man trên. Nhân vật này cùng các tên tội phạm đầu sỏ đã bị bắt. Một số quan chức chủ chốt của thị trấn Yunhe (làng Hewan thuộc thị trấn này) bị cách chức.

Việc san lấp mặt bằng khu đất nhiều tranh cãi này đang bị ngừng lại để điều tra làm rõ. Từ năm 2007, Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ thành phố Phi Châu vì việc sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp. Năm ngoái, thành phố này một lần nữa nằm trong “danh sách đen” của bộ trên.

Vụ những tên côn đồ được thuê để tấn công nông dân, buộc họ phải rời khỏi mảnh đất sinh sống đó đã làm dư luận Trung Quốc công phẫn. Sự kiện này luôn nằm trong nhóm những tin được đọc nhiều nhất trên trang web của Tân Hoa Xã.

Một “công dân mạng” đăng bình luận phía dưới: “Tôi sống ở Phi Châu. Tôi biết một số quan chức địa phương ủng hộ việc chiếm đất bằng vũ lực như vậy. Liệu có thể mong chờ họ sẽ tự điều tra mình hay không?”

Phi Châu là một trong 100 nền kinh tế cấp thành phố lớn nhất của Trung Quốc về GDP cũng như các chỉ số khác theo thống kê hồi tháng 7 năm ngoái. Nhưng “phép màu” này đang bị cho là nhờ tình trạng lấy bừa bãi đất nông nghiệp phục vụ các dự án công nghiệp mà thường thì những dự án này phát triển vô tội vạ, không được quản lý tốt.

Trước thảm kịch ngày 7/1 vừa qua, chính quyền làng Hewan đã xóa sạch 2.500 mẫu (tương đương 167ha) trong tổng số 3.000 mẫu đất canh tác.

Nhiều nông dân bị di dời về những khu định cư mà không có nghề nghiệp mới. Họ phàn nàn rằng không thể chăn nuôi gia cầm, gia súc ở những căn hộ nhỏ bé, chật chội, không sân vườn này.

Ngày 15/1, tờ Tin tức Bắc Kinh đăng một bức ảnh chụp kinh ngạc. Theo báo này, đó là một cánh đồng lúa rộng lớn tới 10.000 mẫu (khoảng 667ha) nhưng đang bị ngập nước lạnh giá. “Cánh đồng băng” này thuộc một ngôi làng khác cũng ở thị trấn Yunhe. Các nhân chứng cho biết chính quyền địa phương đã đổ nước đá xuống đồng để ép buộc nông dân rời khỏi đây!

Sự kết hợp giữa các chủ dự án và giới chức tham nhũng địa phương đang gây nên những bi kịch đất cho nông dân ở thành phố Phi Châu.

Tờ Tin tức Bắc Kinh cho biết trụ sở chính quyền thành phố này, xây dựng xong năm 2008, có quy mô đồ sộ, bắt chước trụ sở Chính phủ trung ương Trung Quốc.

Theo bản thiết kế ban đầu, nó chỉ chiếm diện tích cỡ 60 mẫu (khoảng 4ha) nhưng rốt cuộc phình to tới hơn 600 mẫu mà chủ yếu là chiếm dụng bất hợp pháp đất canh tác.

Chỉ có một Phi Châu tại Trung Quốc. Nhưng những vụ thúc ép nông dân rời bỏ mảnh đất canh tác thì không hề riêng lẻ. Kể lại câu chuyện buồn trên, tờ Nhật báo Thượng Hải cuối tuần qua kết luận rằng nó càng làm rõ một vấn đề nhức nhối trong chính trị địa phương ở nhiều vùng Trung Quốc: đó là các quan chức bất tài trong việc hoạch định chính sách nhưng rất “giỏi” lạm dụng quyền lực!/.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục