Trung Quốc bước vào thời đại lấy “thịnh vượng chung” làm trung tâm

Kể từ đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã liên tiếp chấn chỉnh nền kinh tế dựa trên nền tảng Internet, ngành bất động sản và ngành giải trí để ngăn chặn tình trạng phát triển một cách hỗn loạn.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo DW News, kể từ cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế-Tài chính Trung ương Trung Quốc ngày 17/8/2021, sự thịnh vượng chung đã thu hút sự chú ý của dư luận, trở thành từ khóa nổi bật trong các cuộc thảo luận trong và ngoài Trung Quốc về các chính sách của nước này thời gian vừa qua.

Đây vốn là yêu cầu thiết yếu của chủ nghĩa xã hội mà cựu Chủ nhiệm Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đề cập nhiều lần khi bắt đầu cải cách.

Kể từ đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã liên tiếp chấn chỉnh nền kinh tế dựa trên nền tảng Internet, ngành bất động sản và ngành giải trí để ngăn chặn tình trạng phát triển một cách hỗn loạn.

Có nhiều lý do khác nhau nhưng phần lớn tính toán của Trung Quốc là nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng chung. Đây là xu hướng đã được dự kiến từ trước.

Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bắt đầu từ thời ông Đặng Tiểu Bình đã trải qua hơn 40 năm phát triển, cuối cùng những thay đổi về lượng đã dẫn đến thay đổi về chất, mang tới một điểm nút lịch sử và mở ra một giai đoạn mới.

Sự thịnh vượng chung là trọng tâm chính sách

Ngày 24/12/1990, trong một cuộc nói chuyện với một số lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình đã nhấn mạnh: “Cùng nhau làm giàu, ngay từ khi bắt đầu cải cách chúng ta đã nói rằng một ngày nào đó trong tương lai việc đó sẽ trở thành vấn đề trọng tâm. Chủ nghĩa xã hội không phải là một số ít người giàu có, trong khi hầu hết mọi người nghèo túng, không phải như vậy. Ưu điểm lớn nhất của chủ nghĩa xã hội là sự thịnh vượng chung, phản ánh bản chất của chủ nghĩa xã hội."

Thông điệp này hàm chứa ba ý nghĩa. Một là ông Đặng Tiểu Bình đã nói về sự thịnh vượng chung nhiều lần trước khi ông qua đời. Hai là ông Đặng Tiểu Bình tin tưởng bản chất và tính ưu việt lớn nhất của chủ nghĩa xã hội nằm ở sự thịnh vượng chung.

Ba là ông Đặng Tiểu Bình tin rằng với sự tiến bộ không ngừng của công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc, một ngày nào đó thịnh vượng chung sẽ trở thành vấn đề trọng tâm.

[Trung Quốc đang gắn mình với vị thế một siêu cường toàn cầu?]

Vào năm 1992, ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu chuyến công du phương Nam nổi tiếng nhất trong những năm cuối đời của ông. Trong thời gian này, một lần nữa ông bày tỏ quan điểm của mình về chủ nghĩa xã hội và sự thịnh vượng chung: “Bản chất của chủ nghĩa xã hội là giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất, xóa bỏ bóc lột, xóa bỏ sự phân cực và cuối cùng là đạt được sự thịnh vượng chung."

Phát biểu này thực ra nhằm xóa bỏ những hiểu lầm của người dân về chủ nghĩa xã hội và cải cách, mở cửa thời điểm đó, đồng thời giải thích con đường phát triển của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mà ông Đặng Tiểu Bình đã đề ra trước đó. Nghĩa là cho phép một số người, một số vùng làm giàu trước, giàu trước, sau đó đạt tới thịnh vượng chung.

Thời điểm đó, phát biểu của ông Đặng Tiểu Bình và con đường phát triển của Trung Quốc dựa trên cải cách, mở cửa do ông thiết kế từng bị nhiều người nghi ngờ và chỉ trích là đi chệch khỏi chủ nghĩa xã hội, theo con đường chủ nghĩa tư bản.

Tuy nhiên, nhìn lại cả giai đoạn lịch sử vừa qua, cùng với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang khơi dậy sự thịnh vượng chung hiện nay, có thể thấy những người chỉ trích quan điểm trên thời điểm đó có thể đã hiểu sai. Sau hơn 40 năm cải cách và mở cửa, lý tưởng chủ nghĩa xã hội có thể sẽ được hiện thực hóa ở Trung Quốc trong tương lai.

Kể từ khi các ý tưởng và học thuyết xã hội chủ nghĩa ra đời, cho dù là chủ nghĩa xã hội không tưởng của Robert Owen, Comte de Saint-Simon, Charles Fourier..., hay chủ nghĩa xã hội khoa học của Karl Marx và Friedrich Engels, các học thuyết này vẫn chỉ là lý tưởng trong một thời gian dài, cùng lắm là cụ thể thành các phong trào lao động, khó có thể thành công ở cấp quốc gia.

Chỉ đến khi nhà tư tưởng Nga Vladimir Lenin khởi xướng Cách mạng Tháng Mười Nga, chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử nhân loại mới được thiết lập. Sau đó, dưới thời nhà lãnh đạo Joseph Vissarionovich Stalin, một hệ thống kinh tế chính trị tập trung cao độ dựa trên nền kinh tế kế hoạch hóa được hình thành.

Xuất phát từ bối cảnh chung nổi dậy chống bá quyền thực dân các nước tư bản phương Tây thời điểm đó, tư tưởng xã hội chủ nghĩa, vốn tương thích với văn hóa truyền thống và giá trị của người Trung Quốc về tinh thần "không cam chịu bất công" và một xã hội hài hòa, thịnh vượng, đã nhanh chóng lan rộng trong xã hội Trung Quốc.

Cách mạng Tháng Mười Nga được nhà hoạt động chính trị Lý Đại Chiêu truyền bá đã trở thành một chiến thắng đối với người dân Trung Quốc, đặc biệt giống như lời thức tỉnh những người chịu khổ cực dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân thời điểm đó.

Sau đó, dưới sự lãnh đạo của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng nông thôn bao vây thành thị, đi theo con đường cách mạng khác với Liên Xô, nhưng sau khi giành chính quyền thành công, hệ thống kinh tế-chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc từ mô hình Liên Xô.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Liên Xô, các chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô được thiết lập trên phạm vi toàn cầu, hình thành phe xã hội chủ nghĩa song hành với phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu.

Mô hình xã hội chủ nghĩa của Liên Xô có một ưu điểm nổi bật là có thể tập trung nguồn lực vật chất, con người để phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một thời gian ngắn. Không giống như các nước tư bản phương Tây truyền thống, lợi thế này rất quan trọng đối với những nước phát triển sau vì có thể dựa vào khai thác tài nguyên để có tích lũy ban đầu.

Ở một mức độ nào đó, việc nhanh chóng hoàn thành quá trình công nghiệp hóa ở Liên Xô và Trung Quốc không thể tách khỏi hệ thống kinh tế-chính trị tập trung cao độ này. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt, đằng sau việc hoàn thành công nghiệp hóa nhanh chóng là sự đóng góp và hy sinh to lớn của vô số người dân, đặc biệt là nông dân.

Vai trò của cải cách và đổi mới

Sau đó, những thay đổi lớn ở Đông Âu và sự tan rã của Liên Xô về cơ bản là do những khuyết điểm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa mô hình Liên Xô. Hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc tồn tại được là nhờ công cuộc cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình đã tái định nghĩa chủ nghĩa xã hội và "tái sinh" hệ thống xã hội chủ nghĩa Trung Quốc.

Từ đấu tranh giai cấp làm mắt xích then chốt lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, từ cực tả trở về quan điểm bình thường, từ khép kín với thế giới bên ngoài và nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đó là những thay đổi cơ bản trong xã hội Trung Quốc kể từ sau cải cách, mở cửa. Cốt lõi của hàng loạt thay đổi này là “từ đấu tranh giai cấp làm then chốt chuyển sang xây dựng kinh tế làm trung tâm."

Cải cách cũng giải quyết mâu thuẫn chính trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ; đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng tăng của người dân và sự lạc hậu của sản xuất.

Theo quan điểm của ông Đặng Tiểu Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc thời điểm đó, “nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội” và “Chủ nghĩa xã hội phải xóa bỏ nghèo đói," nền kinh tế kế hoạch hóa và chủ nghĩa quân bình trước cải cách và mở cửa sẽ chỉ mang lại nghèo đói chung, không thể hiện thực hóa lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, chỉ bằng cách để một số người và một số khu vực làm giàu trước trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc và điểm cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc mới có thể hiện thực hóa lý tưởng thịnh vượng chung của chủ nghĩa xã hội.

Chính vì vậy, từ những năm 1980, Trung Quốc luôn phải đối mặt hai vấn đề lớn, có thể gọi là giao ước chung giữa người dân Trung Quốc. Thứ nhất, về đại cục, trong giai đoạn đầu cải cách và mở cửa, cần đẩy nhanh quá trình mở cửa miền Đông giáp biển, giúp khu vực này phát triển trước, miền Trung và Tây Trung Quốc cần cân nhắc đại cục này.

Thứ hai, khi miền Đông đã phát triển trong một khoảng thời gian nhất định, phải tập trung nhiều nguồn lực hơn để thúc đẩy phát triển miền Trung và miền Tây, miền Đông cũng phải tuân theo đại cục này.

Nhìn từ góc độ lịch sử, ông Đặng Tiểu Bình và con đường phát triển của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra thời điểm đó có tầm nhìn xa. Trong 40 năm qua, hay từ khi cải cách, mở cửa năm 1978 đến trước Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, nền sản xuất Trung Quốc dựa trên định hướng giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, để một số người dân và một số vùng làm giàu trước, tập trung làm “những chiếc bánh to."

Trung Quốc không chỉ đưa khoảng 900 triệu người thoát khỏi đói nghèo, cơ bản giải quyết tình trạng nghèo đói phổ biến, dai dẳng, mà còn vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tương lai không xa là số một thế giới. Tất nhiên, như nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc của Mỹ, Hoàng Bình, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với trang Đa chiều rằng, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ các nguyên tắc và điểm cốt lõi của chủ nghĩa xã hội trong 40 năm qua.

Trong quá trình phát triển, Trung Quốc vẫn chủ động ngăn chặn sự phân cực, ví dụ như chính sách xóa đói giảm nghèo quy mô lớn, áp dụng mô hình phát triển phương Tây, hay các chính sách nông nghiệp mang tính hỗ trợ, bao gồm cả việc bãi bỏ thuế nông nghiệp, việc thiết lập hệ thống phúc lợi xã hội cơ bản và hệ thống chăm sóc y tế bao phủ diện rộng, việc thực hiện 9 năm giáo dục bắt buộc... Những chính sách này rõ ràng đã giúp giảm bớt sự phân cực giữa người giàu và người nghèo, cải thiện đời sống người dân một cách hiệu quả.

Nhưng nhìn chung, có một thực tế không thể chối cãi là sự phân cực giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc đang ngày càng tăng. Ngày nay, gần 40% người dân Trung Quốc vẫn là dân cư vùng nông thôn, phần lớn trong số họ có thu nhập thấp và điều kiện sống kém. Trong số 60% cư dân thành thị, mặc dù có nhiều người đang sống trong sự giàu có và xa hoa, nhưng vẫn còn một số lượng lớn người dân luôn phải chật vật kiếm sống, thậm chí chỉ để sinh tồn.

Lấy hệ số Gini phản ánh sự phân cực giàu nghèo làm ví dụ. Theo thông tin của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hệ số Gini của Trung Quốc đạt mức cao lịch sử 0,491 vào năm 2008, vượt quá mức cảnh báo 0,4 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đề ra và cao hơn các nước phát triển chính ở châu Âu lớn trong cùng thời kỳ. Hệ số Gini của Trung Quốc đã giảm từ sau năm 2008, nhưng vẫn luôn cao hơn mức 0,4, ví dụ năm 2015 là 0,462 và năm 2016 là 0,465.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thomas Piketty, nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp và là tác giả cuốn “Tư bản thế kỷ XXI,” có một bài nghiên cứu cho rằng sự chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc hiện nay đã vượt qua hầu hết các nước châu Âu và gần bằng Mỹ.

Với khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, khả năng chuyển đổi giữa các tầng lớp dần bị chặn lại, các vấn đề chính của thời đại mới là giáo dục, y tế, nhà ở, chăm sóc người già chưa được giải quyết hiệu quả trong thời gian dài, ngày càng nhiều người trẻ tuổi cảm thấy bất an, sự bất mãn đối với quyền lực của tư bản ngày càng tăng.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang hoàn thành giai đoạn “giàu trước, giàu sau và cuối cùng là cùng giàu” như ông Đặng Tiểu Bình đã nói về chủ nghĩa xã hội, triển khai giai đoạn thứ hai trong thế đại cục một cách mạnh mẽ. Đó không chỉ là lời hứa được đưa ra trong thời kỳ đầu cải cách, mở cửa hay giao ước chung giữa nhân dân Trung Quốc, mà còn là bản chất của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc. Nếu không, như ông Đặng Tiểu Bình đã nói, “nếu các chính sách của chúng ta dẫn đến phân cực, chúng ta sẽ thất bại."

Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã điều chỉnh mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc thành mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao của người dân về cuộc sống tốt hơn và sự phát triển không cân đối, không tương xứng. Trung Quốc không những phải tiếp tục “làm bánh to” mà còn phải “chia những miếng bánh ngon."

Thực ra, đó là việc thực hiện những lời hứa giai đoạn đầu cải cách, mở cửa, thể hiện tinh thần kế thừa liên tục và hoài bão chính trị nhất quán.

Năm 2020, khi Hội nghị Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đề ra “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035, mục tiêu dài hạn năm 2035 đặt ra là “tất cả mọi người đạt được bước tiến thực chất, rõ ràng tới sự thịnh vượng chung." Có thể thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây tập trung vào sự thịnh vượng chung.

Thực ra, đó chỉ là bước phát triển của lộ trình đặt ra từ trước. Câu nói của ông Đặng Tiểu Bình - “một ngày nào đó, sự thịnh vượng chung sẽ trở thành vấn đề trọng tâm” - đang dần trở thành hiện thực, ít nhất là ở cấp độ chính sách. Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với trọng tâm là thịnh vượng chung.

Lý giải bốn khía cạnh của thịnh vượng chung

 Khi Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên tập trung vào thịnh vượng chung, cần thiết phải làm rõ khái niệm thịnh vượng chung, tìm ra con đường đi đến thịnh vượng chung, tránh những rủi ro tiềm ẩn và làm cho thịnh vượng chung trở nên lành mạnh, bền vững. Xét cho cùng, việc hiện thực hóa thịnh vượng chung chắc chắn sẽ cần rất nhiều thời gian, đầy rủi ro, chỉ một chút bất cẩn cũng có thể phản tác dụng.

Đầu tiên, thịnh vượng chung là gì? Về đến vấn đề này, mới đây, Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Kinh tế-Tài chính Trung ương Trung Quốc Hàn Văn Tú đã giải thích: “Thịnh vượng chung là sự thịnh vượng của tất cả mọi người, không phải sự thịnh vượng của một số ít người; là sự thịnh vượng cả về đời sống vật chất và tinh thần của mọi người chứ không chỉ giàu vật chất còn tinh thần trống rỗng; là sự giàu có chung nhưng vẫn có khoảng cách nhất định, không phải chủ nghĩa quân bình đồng nhất."

Cách giải thích này rất phù hợp. Vì là thịnh vượng chung đương nhiên là sự thịnh vượng của tất cả mọi người, mọi người có thể chia sẻ một cách công bằng thành quả phát triển xã hội. Ngày nay, Trung Quốc đã xóa bỏ tình trạng nghèo đói, người dân ngày càng theo đuổi đời sống tinh thần, nên thịnh vượng chung không chỉ là sự giàu có về đời sống vật chất mà còn là sự phong phú về đời sống tinh thần.

Tuy nhiên, vì trí tuệ, năng lực và sự chăm chỉ của mọi người khác nhau, việc phân phối của cải trong bất kỳ xã hội nào cũng không thể và không nên theo chủ nghĩa quân bình hoặc tập thể hóa. Mọi nỗ lực phân phối của cải theo chủ nghĩa quân bình hoặc tập thể hóa sau cùng sẽ thất bại và khiến tình hình xấu hơn.

Trung Quốc đã có kinh nghiệm sâu sắc và bài học kinh nghiệm về điểm này, nên luôn luôn thận trọng. Để thịnh vượng chung ngày hôm nay không trở thành chủ nghĩa quân bình, cần tôn trọng sự khác biệt và tự do, trong khi cố gắng hết sức có thể để đảm bảo phân phối của cải công bằng, xây dựng nên một cấu trúc xã hội ưu việt và công bằng hơn.

Thứ hai, đạt được thịnh vượng chung bằng cách nào? Ngày 17/8/2021, Ủy ban Kinh tế-Tài chính Trung ương Trung Quốc tuyên bố: “Tạo dựng các điều kiện công bằng và bao trùm hơn để người dân cải thiện trình độ học vấn, nâng cao khả năng phát triển, phá bỏ rào cản ngăn người dân đi lên, tạo cơ hội làm giàu cho nhiều người hơn”; “xây dựng hệ thống chính sách công khoa học để phân phối của cải hợp lý cho mọi người”; “tập trung xây dựng, củng cố đời sống cơ bản, bao trùm và toàn diện hơn cho người dân”; “xây dựng hệ thống cơ sở để phối hợp phân phối lần đầu, lần thứ hai và lần thứ ba, tăng thuế, cải thiện an ninh xã hội, hệ thống thanh toán, độ chính xác và các điều chỉnh khác, tăng tỷ lệ các nhóm có thu nhập trung bình, tăng thu nhập của các nhóm thu nhập thấp, điều chỉnh nhóm thu nhập cao một cách hợp lý và ngăn chặn thu nhập bất hợp pháp."

Những điều này mới là tuyên bố chính sách. Đường hướng chỉ đạo chung đã rõ nhưng làm thế nào để triển khai hiệu quả vẫn là một thách thức lớn. Ví dụ, mục tiêu “tập trung xây dựng, củng cố đời sống cơ bản, bao trùm và toàn diện của người dân” sẽ bao gồm giải quyết bốn vấn đề chính yếu là giáo dục, y tế, nhà ở, chăm sóc người già, nhưng kinh phí lấy từ đâu? Làm thế nào để đảm bảo rằng các khoản tiền thực sự được sử dụng? Một ví dụ khác là việc “tăng thuế, cải thiện an sinh xã hội, hệ thống thanh toán, độ chính xác và các điều chỉnh khác."

Liệu thuế nhà ở và thuế tài sản có được triển khai sớm nhất có thể? một khi áp dụng hai loại thuế này, nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nhóm lợi ích. Làm cách nào để khiến các nhóm lợi ích làm lợi cho người dân với cái giá phải trả thấp?

Việc tuyên bố và thực hiện chính sách thường là hai việc khác nhau. Ví dụ, tuyên bố của Ủy ban Kinh tế-Tài chính Trung ương Trung Quốc về việc “tạo điều kiện công bằng và bao trùm hơn cho người dân nâng cao trình độ học vấn và khả năng phát triển” là một chính sách rất thực tế nhưng quá khó để làm được. Chính sách giáo dục “hai giảm” của Trung Quốc gần đây có nội hàm và ý định ban đầu rất tốt, nhưng cũng khiến nhiều phụ huynh học sinh không hài lòng.

Nguyên nhân là sự phát triển và phân bổ nguồn lực cho giáo dục giữa các vùng miền khác nhau rất nhiều, đầu tư vào giáo dục chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong GDP, chỉ có một cơ chế đánh giá xã hội duy nhất. Chính sách “hai giảm” chỉ cắt giảm nguồn cung sẽ buộc cung-cầu trao đổi ở thị trường đen, khiến giáo dục và đào tạo chuyển từ kỷ nguyên đào tạo quy mô lớn sang kỷ nguyên giáo dục gia đình, từ đó khiến tầng lớp trung lưu khó tiến lên hơn. Trong quá trình theo đuổi thịnh vượng chung, làm thế nào để Trung Quốc giữ vững các mục tiêu và ý tưởng tốt với sự lãnh đạo công minh, đạt được kết quả tốt trong quá trình thực hiện là thách thức vô cùng lớn.

Thứ ba, làm thế nào để tránh những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình tiến tới thịnh vượng chung? Ngày nay, trong quá trình thúc đẩy thịnh vượng chung, tất nhiên Trung Quốc nên kiểm soát vốn, quy định các hoạt động vốn, điều chỉnh thu nhập cao quá mức của người giàu, nhưng điều này không có nghĩa là loại bỏ người giàu và ủng hộ người nghèo hoặc chủ nghĩa dân túy "không ưa" người giàu.

Trên thực tế, cần nỗ lực hết sức để chấn chỉnh sự hỗn loạn, nhưng đồng thời cũng phải chú ý đến trí tuệ và phương pháp, cân nhắc khả năng chịu đựng của xã hội, không thể sử dụng quá nhiều lực lượng hay cắt giảm quá nhiều và cần giảm thiểu sự hoảng loạn không cần thiết từ xã hội và thị trường. Triển khai biện pháp này như thế nào để đạt được kết quả tốt là một phép thử đối với năng lực của chính quyền Trung Quốc.

Thứ tư, làm thế nào để thịnh vượng chung được lành mạnh, bền vững? Nền văn minh hiện đại được xây dựng trên nền văn minh công nghiệp, trong khi nền văn minh công nghiệp mang lại những tiến bộ vượt bậc cho xã hội loài người, nó đã tiêu tốn và lãng phí nhiều tài nguyên, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, rác thải ở mọi nơi, tạo nên thách thức lớn đối với hệ sinh thái của trái đất.

Phương Tây, đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, đã gây ô nhiễm, tiêu thụ và lãng phí rất lớn trong quá trình trở thành một xã hội phát triển. Về sau, các nước này chỉ đơn thuần chuyển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ra bên ngoài, nhưng vẫn tiêu thụ và lãng phí rất nhiều tài nguyên và năng lượng.

Ngày nay, Trung Quốc, vẫn là một nước đang phát triển, đã tiêu tốn vô số nguồn tài nguyên và năng lượng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong tương lai, nếu muốn đạt được thịnh vượng chung, Trung Quốc sẽ phải trở thành một xã hội phát triển về tổng thể. Khi đó, lượng tài nguyên và năng lượng tiêu hao sẽ tăng mạnh.

Nước Mỹ hiện có hơn 300 triệu người với khoảng cách giàu nghèo rất lớn, trong số đó người giàu chỉ chiếm số ít, nhưng đã tiêu tốn rất nhiều tài nguyên và năng lượng. Vậy khi 1,4 tỷ người Trung Quốc đạt được thịnh vượng chung, mọi người cùng có một cuộc sống tương đối giàu có, sẽ tiêu tốn bao nhiêu tài nguyên và năng lượng? Tài nguyên và năng lượng của Trái Đất là có hạn, không sớm thì muộn, các nguồn tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt, than đá sẽ cạn kiệt; sức chịu đựng của môi trường Trái Đất càng hạn chế hơn và cái giá phải trả cho sự ô nhiễm đã hiển hiện.

Trong hoàn cảnh đó, nếu muốn đạt được thịnh vượng chung lành mạnh và bền vững, Trung Quốc phải cố gắng tăng cường các nguồn cung cấp năng lượng mới, giảm mạnh rác thải và ô nhiễm, không đi lại con đường cũ của phương Tây - chuyển các ngành gây ô nhiễm ra bên ngoài, mà tìm kiếm con đường mới để con người tồn tại hài hòa với Trái Đất.

Trong bất kỳ trường hợp nào, việc Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới với trọng tâm là sự thịnh vượng chung là một thay đổi lớn được mọi người trông đợi. Kể từ khi xã hội loài người xuất hiện cho đến nay, chưa có quốc gia nào đạt được thịnh vượng chung, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội từ lâu vẫn chỉ là lý tưởng.

Liệu Trung Quốc có thể hiện thực hóa lý tưởng thịnh vượng chung hay không vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, vì đây là một mục tiêu đầy tham vọng liên quan đến lợi ích thiết yếu của hầu hết mọi người, tất cả mọi người nên tích cực tham gia và tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục