Ngày 23/8, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết vào khoảng 9 giờ sáng 19/8, 2 chiếc máy bay trinh sát P-3 và P-8 của Hải quân Mỹ đã bay đến không phận cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 220 km về phía Đông.
Vào thời điểm đó, một chiếc J11 của Hải quân Trung Quốc đã cất cánh để tiến hành kiểm tra nhận dạng như thường lệ và thao tác của phi công Trung Quốc rất chuyên nghiệp, đồng thời duy trì cự ly an toàn với máy bay Mỹ.
Ông Dương Vũ Quân cho rằng việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc là hoàn toàn không có cơ sở. Chính việc trinh sát ở cự ly gần với quy mô lớn, tần suất cao của phía Mỹ nhằm vào Trung Quốc mới là căn nguyên gây nguy hiểm tới an ninh quân sự trên không, trên biển giữa Trung Quốc và Mỹ, dẫn đến những sự cố ngoài ý muốn.
Ông này nói: “Chúng tôi hối thúc phía Mỹ thiết thực tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế, tôn trọng an ninh của nước ven biển, xử lý thỏa đáng những bất đồng còn tồn tại trong vấn đề an ninh quân sự trên biển và trên không giữa 2 bên”.
Người phát ngôn trên nhấn mạnh Mỹ cần xuất phát từ việc xây dựng quan hệ nước lớn Trung-Mỹ kiểu mới, căn cứ vào nguyên tắc “không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng”, áp dụng biện pháp thiết thực, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt những hoạt động trinh sát cự ly gần đối với Trung Quốc, tạo bầu không khí tốt đẹp cho sự phát triển quan hệ giữa quân đội 2 nước.
Nhà Trắng ngày 22/8 đã gửi công hàm chính thức, trong đó gọi vụ máy bay Trung Quốc bay sát máy bay do thám của Mỹ trên không phận quốc tế gần đảo Hải Nam là hành động khiêu khích đáng lo ngại và giới chức Mỹ đã bày tỏ sự phản đối với Bắc Kinh.
Trả lời báo giới, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Ben Rhodes cho rằng động thái trên là "hành động khiêu khích gây quan ngại sâu sắc."
Ông Rhodes nói: "Chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với Chính phủ Trung Quốc sự phản đối của chúng tôi với kiểu hành động này."
Theo Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby, vụ việc xảy ra hôm 19/8 tại địa điểm cách đảo Hải Nam 200 km về phía Đông./.