Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/12 cho biết nước này đã trao công hàm phản đối chính thức về việc Mỹ "tẩy chay ngoại giao" đối với Thế vận hội (Olympic) mùa Đông Bắc Kinh và sẽ có các biện pháp đáp trả cứng rắn.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 8/12 dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài cho rằng Mỹ đang tự biến mình thành một "gã hề" không chỉ với việc tuyên bố tẩy chay Thế vận hội – theo đó không mời các chính trị gia Mỹ - mà còn bằng cách viện dẫn những dối trá về "tội diệt chủng" nhằm vào Trung Quốc như một cái cớ để chính trị hóa Thế vận hội trong một mưu đồ hòng tạo động lực cho hội nghị thượng đỉnh dân chủ sắp tới mà Tổng thống Joe Biden chủ trì.
Hôm 6/12, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng chính quyền Biden sẽ không cử bất kỳ nhà ngoại giao hoặc đại diện chính thức nào đến Thế vận hội mùa Đông và Thế vận hội người khuyết tật (Paralympic) Bắc Kinh 2022, viện dẫn "tội diệt chủng" và các tội ác chống lại loài người ở Tân Cương cùng với "những hành vi lạm dụng nhân quyền khác."
Phát biểu tại buổi hợp báo hôm 7/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Mỹ đã bịa đặt điều dối trá lớn nhất thế kỷ về cái gọi là "tội diệt chủng" ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Dựa trên những thành kiến và dối trá về ý thức hệ, Mỹ đang cố gây rối Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh. Hành động của Mỹ vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trung lập chính trị được nêu trong Hiến chương Olympic, đi ngược lại phương châm của Thế vận hội về việc "chung tay hợp tác" và có quan điểm đi ngược lại mong muốn của các vận động viên và người hâm mộ thể thao toàn cầu.
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh Olympic mùa Đông không phải là nơi để diễn trò "làm bộ làm dạng" và lôi kéo cũng như thao túng.
Theo quy định của Olympic, các quan chức được Ủy ban Olympic quốc gia của riêng nước họ mời tham dự Olympic. Việc các quan chức Mỹ có đến Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh và cổ vũ cho các vận động viên của họ hay không là việc của riêng Mỹ.
Người phát ngôn này tiếp tục nhấn mạnh rằng mặc dù thậm chí không được mời, nhưng phía Mỹ đã liên hệ sự tham dự của các quan chức Mỹ với cái gọi là các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, tiếp tục đi vào con đường sai lầm hơn nữa khi bóp méo sự thật trong khi lừa dối bản thân cũng như những người khác.
Chương trình nghị sự chính trị của Mỹ không giành được sự ủng hộ nào và chắc chắn sẽ thất bại. Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số chính trị gia đã thổi phồng một vụ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu trước đó biết được từ các nguồn tin rằng với tư cách là nước chủ nhà, Trung Quốc chưa bao giờ có kế hoạch mời những chính trị gia Mỹ và phương Tây vốn đã thổi phồng chủ đề "tẩy chay."
Bình luận trên mạng xã hội Twitter hôm 7/12, Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, viết rằng không ai quan tâm liệu các chính trị gia Mỹ có đến hay không và điều đó không ảnh hưởng đến thành công của Thế vận hội Bắc Kinh.
Thông báo của Nhà Trắng hôm 7/12 cũng bị chế giễu ở Mỹ và trên Twitter. Nikki Haley, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, đã đăng dòng bình luận trên Twitter: "Hành động tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh là một trò lố bịch. Trung Quốc không quan tâm nếu ông Biden cùng đội ngũ (của ông ta) xuất hiện. Họ muốn các vận động viên của chúng ta tham dự."
[Mỹ không cử đại diện ngoại giao đến Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022]
Ben Norton, trợ lý biên tập của trang tin tức Greyzone của Mỹ đã đăng dòng tweet: "Chính quyền ông Biden đang hành động như thể sự tẩy chay ngoại giao của họ đối với Thế vận hội Bắc Kinh 2022 là một động thái dũng cảm vì 'nhân quyền.' Thế nhưng, Trung Quốc đã công khai tuyên bố trong nhiều tuần qua rằng Mỹ thậm chí còn không được mời. Đây là phiên bản chính trị của một đứa trẻ hay hờn dỗi đang gào thét rằng 'Thôi, dù sao thì tôi cũng không muốn đi..."
Adnan Akfirat, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị và Phát triển Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc, người công khai phản đối việc Mỹ chính trị hóa Thế vận hội, đã miêu tả quyết định của Mỹ là "một âm mưu vô vọng" và thật lố bịch khi nói rằng những người không được mời sẽ không tham dự.
Trong một tuyên bố về vụ tẩy chay của Mỹ hôm 6/12, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nói rằng sự hiện diện của các quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao chỉ thuần túy là một quyết định chính trị của mỗi chính phủ.
Với tư cách trung lập về chính trị, IOC hoàn toàn tôn trọng những quyết định như vậy. Đồng thời, thông báo này cũng nói rõ rằng Olympic và sự tham gia của các vận động viên nằm ngoài những vấn đề chính trị và IOC hoan nghênh điều này.
Mưu đồ "rẻ tiền"
Mặc dù không có lời mời nào dành cho các chính trị gia Mỹ tham dự Thế vận hội Bắc Kinh, nhưng tại sao họ vẫn muốn thổi phồng chủ đề này? Các chuyên gia phân tích từ Trung Quốc và nước ngoài cho rằng Mỹ cố lợi dụng "cú đánh rẻ tiền" để làm nhục Trung Quốc.
Thế nhưng, điều đó càng vạch trần những động thái xấu xa của Mỹ nhằm chính trị hóa tinh thần Thế vận hội. Theo nhận định của Tom Fowdy, chuyên gia phân tích chính trị và quan hệ quốc tế người Anh, tuyên bố của chính quyền Biden "được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cơ hội rõ ràng. Thông báo đó giúp kích động tâm lý chống Trung Quốc mà không mất nhiều phí tổn hoặc mất mát gì."
Lỗ Hướng, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, giải thích rằng Mỹ đang cố gắng bôi nhọ Trung Quốc theo cách “rẻ tiền” vì các chính trị gia Mỹ nhận ra rằng nếu tranh cãi hoặc đối đầu ngày càng gia tăng hoặc dẫn đến xung đột quân sự, thì rủi ro có thể là quá lớn.
Vì vậy, Washington đã chọn việc "tẩy chay" Thế vận hội Bắc Kinh - một màn diễn ngoại giao mạo hiểm để chứng tỏ sự hiện diện và "vai trò dẫn dắt" của Mỹ về những giá trị (như dân chủ và nhân quyền). Tuy nhiên, ông Lỗ Hướng cho rằng động thái như vậy là điều ngu xuẩn.
Theo chuyên gia này, việc đơn phương tẩy chay mà không có lời mời từ trước là một hành động chính trị rất tầm thường. Ông ví von: "Thật nực cười khi tôi nói rằng tôi sẽ tẩy chay việc lên sao Hỏa."
Mỹ dự kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ vào ngày 9 và 10/12. Giới quan sát chỉ trích rằng sự kiện này gây ra những cuộc đối đầu mới và chia rẽ thế giới bằng ý thức hệ.
Theo ông Akfirat, Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ - sự kiện mà Biden dự định sử dụng làm biểu tượng của cái gọi là "Nước Mỹ quay trở lại" - có các tiêu chí "phi logic và đáng khinh" nhằm phân chia các quốc gia dân chủ và phi dân chủ.
Ông Akfirat nói: “Nếu dân chủ là quyền cai trị của người dân vì người dân thì quốc gia phản dân chủ nhất là Mỹ."
Ai sẽ theo "gót" Mỹ?
Mặc dù các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài chỉ trích Mỹ vì chính trị hóa Thế vận hội và tận dụng sự kiện thể thao này để gây áp lực với các nước khác, nhưng họ nhấn mạnh rằng đa số các nước sẽ tránh xa các động thái chính trị như vậy và không theo "gót" Mỹ.
Khi trả lời về việc liệu Mỹ có đang cố gắng lôi kéo các đồng minh khác cùng vào hùa với Mỹ trong "cuộc tẩy chay ngoại giao" hay không, Psaki đáp rằng "chúng tôi đã thông báo cho các nước về quyết định của mình và rõ ràng là chúng tôi sẽ để họ đưa ra những quyết định của riêng mình."
Theo nhận định của chuyên gia Lỗ Hướng, có thể hai hoặc ba quốc gia sẽ "theo chân" Mỹ nhưng không nhiều hơn. Chuyên gia này nhấn mạnh việc theo "gót" Mỹ trong việc đưa ra quyết định như vậy cần phải cần nhắc các hậu quả lâu dài, đặc biệt nếu như điều đó sẽ gây ra mối bất đồng về lâu dài, nhất là đối với cách người Trung Quốc cảm nhận về những quốc gia đó.
Phó Thủ tướng New Zealand Grant Robertson hôm 7/12 cho biết New Zealand sẽ không cử đại diện ngoại giao ở cấp bộ trưởng tới Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, viện dẫn lý do đại dịch COVID-19 và nói thêm rằng quyết định này đã được đưa ra từ hồi tháng 10.
Uông Đại Chiêu, một chuyên gia bình luận thể thao cấp cao có trụ sở làm việc tại Bắc Kinh, cho rằng việc Mỹ "tẩy chay ngoại giao" đối với sự kiện thể thao ở Bắc Kinh không liên quan gì đến thể thao mà liên quan đến vấn đề chính trị.
Nhà bình luận thể thao này lưu ý rằng việc tẩy chay Thế vận hội 1980 đã để lại một bài học rất xấu cho thế giới. Mỹ hiện đang thực hiện tâm lý Chiến tranh Lạnh để tiến hành một vụ tẩy chay khác, điều vốn không được hưởng ứng vì thế giới đã thay đổi./.