Trung Quốc bàn giao các tải trọng khoa học mang về từ không gian

CNSA đã bàn giao các thiết bị khoa học phục vụ nghiên cứu giống cây trồng trong không gian và các thí nghiệm khoa học công nghệ khác cho đại diện Trung Quốc và các nước khác.

Lễ bàn giao tải trọng do CNSA tổ chức tại Bắc Kinh ngày 24/10. (Nguồn: Tân hoa xã)
Lễ bàn giao tải trọng do CNSA tổ chức tại Bắc Kinh ngày 24/10. (Nguồn: Tân hoa xã)

Ngày 24/10, Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã tổ chức lễ bàn giao các thiết bị khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu giống cây trồng trong không gian và các thí nghiệm khoa học công nghệ khác cho đại diện nước này và các nước khác.

Những tải trọng này được Thực Tiễn-19 (Shijian-19), vệ tinh thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tái sử dụng và quay trở về Trái Đất, mang về từ không gian.

Tại buổi lễ bàn giao, CNSA và Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) đã ký chứng nhận bàn giao các tải trọng cho đại diện của nước này và các nước khác, trong đó có Thái Lan và Pakistan.

Giới chức CNSA nhấn mạnh sứ mệnh Thực Tiễn-19 đã tận dụng tối đa những ưu điểm của nền tảng thí nghiệm không gian có thể thu hồi thế hệ mới, thực hiện hàng loạt thí nghiệm khoa học, tập trung vào lĩnh vực nhân giống trong không gian.

Cụ thể, các nhà khoa học đã nghiên cứu mẫu vật di truyền của khoảng 1.000 loài thực vật khác nhau để tiến hành thí nghiệm nhân giống nhằm tìm kiếm những giống cây trồng mới có những đặc tính ưu việt hơn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Vệ tinh Thực Tiễn-19 được phóng vào ngày 27/9 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc.

Vệ tinh này đóng vai trò cầu nối hợp tác quốc tế khi mang theo các tải trọng từ 5 quốc gia khác nhau.

Ngày 11/10, vệ tinh đã đáp xuống bãi đáp Đông Phong ở Khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc. Công tác thu hồi cũng được thực hiện suôn sẻ cả với những tải trọng mà vệ tinh này mang theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục