Trung Quốc, Australia kêu gọi nói "không" với bảo hộ thương mại

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/11 tuyên bố các hành động bảo hộ thương mại là "thiển cận và tất yếu sẽ phải hứng chịu thất bại."
Trung Quốc, Australia kêu gọi nói "không" với bảo hộ thương mại ảnh 1Công nhân sản xuất giầy tại nhà máy của Hãng Kangnai, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các hành động bảo hộ thương mại là "thiển cận và tất yếu sẽ phải hứng chịu thất bại."

Tuyên bố này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra ngày 17/11 trước thềm Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 diễn ra tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea.

Phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp bên lề hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng những nỗ lực dựng lên các rào cản và cắt đứt các mối quan hệ kinh tế gần gũi đi ngược lại các luật lệ kinh tế và xu hướng lịch sử.

Ông nêu rõ: "Đây là một cách tiếp cận thiển cận và tất yếu sẽ thất bại." Ông đồng thời kêu gọi các nền kinh tế trên thế giới cần nói "Không" với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, ngầm ám chỉ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Washington.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng thế giới nên "ủng hộ hệ thống thương mại đa phương với trọng tâm là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế cởi mở, toàn diện, cân bằng hơn cũng như mang lại lợi ích cho tất cả các bên."

Đề cập tới những quan ngại xung quanh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh lịch sử cho thấy sự đối đầu, dù dưới hình thức một cuộc chiến tranh lạnh, hay chiến tranh thương mại, cũng sẽ không có bên nào giành chiến thắng.

Ông nhấn mạnh vai trò của tham vấn và đối thoại trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa các nước, miễn là các cuộc đàm phán diễn ra trên tinh thần "bình đẳng" và "thấu hiểu lẫn nhau."

[Nền kinh tế nào sẽ chịu tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại?]

Cùng ngày, cũng phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng cảnh báo các cuộc chiến thương mại không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào và phải được giải quyết thông qua đàm phán thay vì việc áp thuế trả đũa lẫn nhau.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh thế giới đang đối mặt chiều hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự biến động của thị trường tài chính.

Ông cho rằng việc vội vã dựng lên các rào cản bảo hộ không phải là một giải pháp. Theo ông, chủ nghĩa bảo hộ "ăn miếng, trả miếng" cùng những mối đe dọa từ cuộc chiến thương mại không nằm trong lợi ích kinh tế của bất cứ nước nào, thay vào đó sẽ làm suy yếu sức mạnh của các quy tắc thương mại trong khu vực và trên toàn cầu vốn mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Nhà lãnh đạo này tuyên bố Australia sẽ đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Ngoài ra, Thủ tướng Morrison cũng nhấn mạnh giải pháp đối với các hành động thương mại được cho là bất bình đẳng là thông qua đàm phán thay vì thúc đẩy một cuộc chiến thuế quan.

Australia sẽ tiếp tục ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đàm phán và trong khuôn khổ các nguyên tắc của WTO.

Mặc dù thừa nhận WTO "không hoàn hảo" song nhà lãnh đạo Australia cam kết sẽ hợp tác với các quốc gia cùng chung chí hướng để thúc đẩy cải tổ tổ chức thương mại đa phương này.

Những phát biểu trên được lãnh đạo Trung Quốc và Australia đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ là một trong những nội dung chi phối chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao APEC năm nay.

Mới đây nhất, phát biểu tại Port Moresby bên lề hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt và sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn sẽ duy trì cho đến khi Bắc Kinh thay đổi các hành xử thương mại.

Trong nhiều tháng trở lại đây, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng sau khi Washington áp đặt các biện pháp gây sức ép về thuế để buộc Bắc Kinh thay đổi các điều khoản thương mại giữa hai nước.

Phía Trung Quốc cũng đáp trả thông qua những biện pháp thuế riêng. Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ dẫn tới hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục