Theo hãng tin AFP (Pháp) và Reuters (Anh), ngày 27/11, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia.
Bộ trưởng Nông nghiệp Australia đã bày tỏ thất vọng trước động thái của Trung Quốc và khẳng định sẽ bảo vệ mạnh mẽ ngành rượu vang của nước này. Diễn biến này được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại hai nước.
Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, các nhà nhập khẩu rượu vang Australia sẽ phải chịu mức thuế từ 107,1% đến 212,1% từ ngày 28/11. Theo lý giải của cơ quan này, đây là biện pháp tạm thời nhằm đáp trả việc "gây tổn thất đáng kể cho ngành sản xuất rượu vang trong nước".
Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud ngay lập tức bày tỏ "cực kỳ thất vọng" và bác bỏ các cáo buộc rằng các nhà sản xuất rượu vang nước này bán phá giá ở Trung Quốc. Bộ trưởng cho biết Australia sẽ phản ứng mạnh mẽ trước quyết định này của Bắc Kinh, trong đó để ngỏ khả năng có biện pháp đáp trả thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
[Điều tra chống bán phá giá rượu vang của Trung Quốc là thiếu thực chất]
Theo số liệu của chính phủ Australia, doanh số bán rượu vang của nước này sang Trung Quốc trong năm ngoái đạt mức kỷ lục 1,3 tỷ AUD (900 triệu USD), đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ rượu vang lớn nhất của quốc gia châu Đại Dương này. Ngay sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra thông báo trên, cổ phiếu của nhà sản xuất rượu vang lớn nhất Australia là Treasury Wine Estates - công ty sở hữu thương hiệu rượu Penfolds - đã lao dốc hơn 11%.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với kim ngạch thương mại hai chiều trong năm ngoái đạt 235 tỷ AUD (170 tỷ USD). Tuy nhiên, căng thẳng thương mại song phương đã leo thang trong thời gian gần đây.
Trung Quốc đã có nhiều động thái nhằm vào các nhà xuất khẩu của Australia, bao gồm áp đặt thuế chống bán phá giá và trợ cấp nhà nước lên tới 80,5% đối với lúa mạch Australia, đình chỉ nhập thịt bò từ 5 nhà máy chế biến hàng đầu Australia và bắt đầu 2 cuộc điều tra chống bán phá giá với rượu vang của đối tác.
Mới đây nhất, ngày 12/11, Trung Quốc đã đình chỉ một số hoạt động nhập khẩu gỗ từ Australia, cụ thể là từ bang Victoria sau khi phát hiện có sâu bệnh trong loại gỗ này.
Về phần mình, Chính phủ Australia hồi đầu tháng này cũng thông báo đã ngừng xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ tôm hùm bông lớn nhất của Australia - sau khi Trung Quốc áp đặt quy định kiểm tra hải quan mới với hải sản tươi sống. Trước đó, ngày 16/10, Chính phủ Australia đã yêu cầu Trung Quốc không thực hiện “hành động phân biệt đối xử” đối với các nhà sản xuất bông của Australia.
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Nhóm ngành Bông Australia và Hiệp hội Chủ hàng Bông Australia đã nhận được thông tin rằng Ủy ban Cải cách Phát triển Quốc gia của Trung Quốc đề nghị các nhà máy sản xuất sợi trong nước dừng nhập khẩu bông có nguồn gốc từ Australia./.