Trung Quốc áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý" lần đầu tiên sau 14 năm

Việc Trung Quốc tuyên bố áp dụng một chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý" là dấu hiệu về một kế hoạch kích thích tài chính mạnh mẽ, một đợt cắt giảm lãi suất lớn và mua tài sản vào năm 2025.

Hồi tháng 9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từng công bố chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ sau đại dịch COVID-19. (Nguồn: linkedin)
Hồi tháng 9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từng công bố chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ sau đại dịch COVID-19. (Nguồn: linkedin)

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Trung Quốc sẽ áp dụng một chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý" lần đầu tiên trong 14 năm, kết hợp với chính sách tài khóa chủ động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước và tiêu dùng. Ngôn từ mới về chính sách tiền tệ nói trên đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc nới lỏng chính sách kể từ cuối năm 2010.

Sau thông tin trên, thị trường chứng khoán đã tăng mạnh, với chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 2,8% lên mức cao nhất trong một tháng.

Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc của ngân hàng ANZ, cho rằng thông báo trên là dấu hiệu về một kế hoạch kích thích tài chính mạnh mẽ, một đợt cắt giảm lãi suất lớn và mua tài sản vào năm 2025. Chính sách này thể hiện sự tự tin mạnh mẽ của Trung Quốc trước những cảnh báo về khả năng áp thuế quan từ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Trong năm nay, kinh tế Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn, buộc các nhà hoạch định chính sách nước này phải đưa ra những biện pháp can thiệp vào tháng 9, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) công bố chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ sau đại dịch COVID-19, với việc cắt giảm lãi suất và bơm 1.000 tỷ NDT (140 tỷ USD) vào hệ thống tài chính, cùng các biện pháp khác.

Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, nhưng việc duy trì tốc độ này trong năm 2025, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump quay lại Nhà Trắng và cảnh báo áp thuế 60% hoặc hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.

Nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy sự phụ thuộc lớn vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu trong năm nay, trong khi nhu cầu của các hộ tiêu dùng trong nước gây thất vọng giữa bối cảnh tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản làm suy giảm tài sản của người tiêu dùng và hầu hết những biện pháp kích thích của chính phủ đều hướng đến các nhà sản xuất và hệ thống cơ sở hạ tầng.

Các chuyên gia cố vấn đã khuyến nghị chính phủ Trung Quốc duy trì mục tiêu tăng trưởng không thay đổi trong năm tới, nhưng cũng kêu gọi nước này đưa ra thêm biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tác động của nguy cơ thuế quan từ Mỹ và sức ép giảm phát.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An cho biết thêm nước này đã chuẩn bị các biện pháp kích thích, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục