Các nhà quan sát Trung Quốc mới đây đã đưa ra đánh giá tổng thể tình hình kinh tế-chính trị khu vực ASEAN trong bối cảnh năm 2015 sắp kết thúc.
Trương Uẩn Lĩnh, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng tình hình quốc tế phức tạp, nhiều biến đổi và phải đối mặt với những thách thức rủi ro, việc khu vực ASEAN có thể duy trì phát triển ổn định tình hình chính trị trong năm 2015 là điều không phải dễ dàng.
Về mặt chính trị, năm 2015 các sự kiện lớn xảy ra trong khu vực ASEAN đã thu hút sự quan tâm của mọi người.
Cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar diễn ra suôn sẻ, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành thắng lợi trong tổng tuyển cử, giành được quyền độc lập thành lập Nội các, công tác chuyển giao giữa chính quyền cũ và chính quyền mới đang diễn ra suôn sẻ.
Singapore đã tổ chức thành công cuộc bầu cử sau khi Thủ tướng sáng lập đất nước Lý Quang Diệu từ trần, đảng Hành động Nhân dân giành thắng lợi tiếp tục nắm quyền với ưu thế rõ rệt.
Tại Malaysia, Thủ tướng Najib Razak chịu áp lực bởi các cáo buộc chiếm dụng ngân sách Nhà nước, ông đã cải tổ Nội các, cách chức Phó Thủ tướng Muhyiddin Yassin, thay nhiều vị Bộ trưởng và Thứ trưởng.
Ngoài ra, Indonesia, Thái Lan và Campuchia cũng duy trì ổn định về chính trị.
Về mặt kinh tế, do kinh tế thế giới phục hồi yếu ớt, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bước vào thời kỳ tăng trưởng trung bình và cao, tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á cũng đối mặt với áp lực suy thoái và áp lực điều chỉnh kết cấu kinh tế khá lớn trong khi tiếp tục dẫn đầu, dự báo tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng từng khiến thị trường tài chính một số nước Đông Nam Á xuất hiện dấu hiệu bấp bênh. Nhưng nhìn chung, trong tình hình cả nền kinh tế toàn cầu không ổn định, kinh tế ASEAN cũng có thể duy trì sự ổn định cơ bản.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố chung tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Kuala Lumpur ngày 22/11, tuyên bố sẽ chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Đây được coi là̀ điểm sáng lớn nhất trong khu vực ASEAN năm nay.
Ngụy Linh, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN là có hiệu quả nhất. Theo thống kê năm nay, thực lực kinh tế ASEAN đã vượt sức tưởng tượng của mọi người.
Năm 2015, các nước ASEAN đã giải quyết một số vấn đề khó khăn qua thương thảo. Chẳng hạn các Ngoại trưởng Malaysia, Thái Lan và Indonesia sau hội đàm đã cam kết dành viện trợ nhân đạo cho 7.000 người tị nạn đang “lênh đênh” trên các vùng biển Đông Nam Á.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, lãnh đạo ASEAN đã có cuộc thương thảo giàu tính xây dựng về vấn đề ô nhiễm khói bụi gây xáo trộn nhiều nước Đông Nam Á. Lãnh đạo ASEAN thông qua văn kiện Tầm nhìn ASEAN năm 2025" tại hội nghị định hướng phát triển cho 10 năm tới./.