Kể từ khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng phát, phương Tây đã nhiều lần lên tiếng sẽ mạnh tay trừng phạt kinh tế đối với Nga. Tuy vậy, cho tới nay cả Brussels lẫn Washington D.C đều tỏ ra cẩn trọng bởi trong một thế giới rộng mở và toàn cầu hóa như hiện nay, trừng phạt không chỉ gây phương hại tới Nga, mà trong chừng mực nào đó lại trở thành “gậy ông đập lưng ông,” khiến các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu thiệt hại hàng tỷ USD.
Kinh tế Nga lao đao
Theo nhận định của giới phân tích, các biện pháp trừng phạt sẽ khiến cả hai phía bị tổn thất, song Nga sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn bởi nền kinh tế đã rơi vào cảnh khó khăn từ hai năm qua.
Căng thẳng ở Ukraine đã dẫn tới "cuộc khủng hoảng niềm tin" ở Nga, khiến đầu tư sụt giảm mạnh và thương mại sa sút. Các số liệu mới công bố cho thấy thực trạng đáng quan ngại về kinh tế Nga. Cụ thể là nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2014 chỉ đạt 0,8%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 2,5% mà Bộ Kinh tế đưa ra trước đó.
Chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Thị trường chứng khoán Moskva đã giảm 10% trong tháng 3/2014, do dòng vốn chảy khỏi thị trường. Trong 3 tháng đầu năm nay, đồng ruble để mất 9% giá trị so với đồng USD, khiến các hóa đơn nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Cùng thời gian này, các nhà đầu tư đã rút tới 70 tỷ USD khỏi Nga, vượt xa con số 63 tỷ USD của cả năm 2013. Đầu tư đã giảm 4,8% trong quý 1/2014.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, tình trạng thoái vốn trên thị trường là hệ quả của việc một khối lượng lớn đồng ruble được đổi ra ngoại tệ.
Ông Siluanov thừa nhận việc vốn bị rút khỏi thị trường làm giảm cơ hội đầu tư và gây thêm khó khăn cho ngân sách. Tăng trưởng trì trệ cũng liên quan đến việc Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng và nền kinh tế chưa được hiện đại hóa.
Bộ trưởng Siluanov nhận định kinh tế Nga đang phải đối mặt với các điều kiện khó khăn nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008. Vì thế, tăng trưởng GDP trong năm nay có khả năng sẽ chỉ ở mức 0%. Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), không tính đến các biện pháp trừng phạt thực tế, trong điều kiện căng thẳng chính trị với Ukraine, nền kinh tế Nga có thể giảm 1,8% trong năm nay theo kịch bản bi quan, hoặc tăng 1,1% nếu theo kịch bản lạc quan.
Dù là kịch bản nào thì báo cáo của WB cũng cho rằng kinh tế Nga sẽ phải trả giá đắt khi tăng trưởng sụt giảm trước tác động của cuộc đối đầu với phương Tây được cho là nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Không những thế, báo cáo của WB còn cảnh báo các ngân hàng Nga có thể đối mặt với những hạn chế trong tiếp cận các thị trường vốn quốc tế và giới đầu tư nước ngoài có thể rút tiền khỏi nước này, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Ukraine và phương Tây đưa ra những đe dọa trừng phạt mới.
Birgit Hansl, chuyên gia của WB về Nga đồng thời là tác giả của báo cáo trên, nhận định lượng vốn ròng trong lĩnh vực tư nhân chảy khỏi nước này trong năm 2014 ước khoảng 85 tỷ USD theo kịch bản rủi ro thấp và có thể lên tới ngưỡng 150 tỷ USD theo kịch bản rủi ro cao.
Một khó khăn nữa là Nga sẽ phải tìm thị trường mới để xuất khẩu năng lượng thay thế thị trường Liên minh châu Âu (EU), nơi mà Nga đáp ứng tới 30% nhu cầu khí đốt và 32% nhu cầu dầu mỏ.
Là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, Nga coi năng lượng là một trong trụ cột chính của nền kinh tế. Nguồn thu từ năng lượng đóng góp tới 25% GDP và gần 50% nguồn thu của chính phủ. Điều đó buộc Nga phải tìm kiếm khách hàng mới nếu không muốn đối mặt với khó khăn tài chính và kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Valentina Matvienko, từng lưu ý rằng kinh tế Nga hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và Nga hiện tiêu thụ 40% hàng hóa của EU trong khi 50% xuất khẩu của Nga là tới các nước EU. Vì vậy, áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga sẽ gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho cả hai bên.
Phương Tây "rón rén"
Thực tế cho thấy Mỹ và các nước châu Âu có khả năng dùng đòn kinh tế để gây áp lực với Moskva khi hai bên đã gây dựng những mối quan hệ khá chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính, thương mại, đầu tư, đến năng lượng… Nhưng cho tới lúc này phương Tây dọa trừng phạt kinh tế và thương mại nước Nga thì nhiều, nhưng các biện pháp mạnh thì dường như vẫn "án binh bất động." Hiện tại Mỹ và châu Âu mới chỉ giới hạn việc cấp thị thực nhập cảnh, phong tỏa tài sản của một số quan chức Nga.
Theo giới phân tích, trừng phạt kinh tế luôn là con dao hai lưỡi mà những tác động đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Do lệ thuộc rất lớn vào Nga, nên EU sẽ rơi vào khủng hoảng nếu Moskva ngừng bơm khí đốt để đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế. EU tỏ ra quan ngại về bức thư của Tổng thống Putin gửi các nhà lãnh đạo EU mới đây, trong đó cảnh báo trong trường hợp bất đắc dĩ Tập đoàn khí đốt Gazprom có thể dừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động cung cấp khí đốt sang Ukraine, đồng nghĩa với việc dòng chảy "xanh" sang châu Âu sẽ bị gián đoạn. Có lẽ người dân châu Âu chưa thể nào quên tình cảnh thiếu khí đốt mà họ phải chịu đựng vào giữa mùa Đông lạnh giá xảy ra vào năm 2006 và 2009 - hậu quả của các cuộc tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine.
Theo Viện nghiên cứu Oxford Economics, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt và phương Tây áp dụng các biện pháp trả đũa về tài chính, giá khí đốt sẽ tăng khoảng 15% và giá dầu mỏ tăng 10% trên thị trường châu Âu, GDP của các nước trong Khu vực sử dụng đồng euro giảm 1,5% và tăng trưởng kinh tế của một số nước Đông Âu sẽ giảm tới 3%. Sự phục hồi kinh tế của Eurozone còn đang rất mong manh. Liệu Eurozone có sức chịu đựng khi giá dầu trên thế giới đột nhiên tăng vọt lên hơn 147 USD/thùng như thời điểm năm 2008 hay không?
Không chỉ năng lượng, các nước châu Âu đang phụ thuộc rất nhiều vào tài chính, thương mại và đầu tư với Nga. Trong lĩnh vực tài chính, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu vào Nga là 190 tỷ euro. Thêm vào đó, khoảng 90 tỷ euro trái phiếu và cổ phiếu của các tập đoàn Nga đang ở trong tay các nhà đầu tư châu Âu. Điều gì sẽ xảy ra nếu Moskva quyết định “phong tỏa” vốn của châu Âu trên lãnh thổ Nga? Các nhà sản xuất ôtô châu Âu cũng hiểu rõ tầm quan trọng của thị trường đầy tiềm năng như Nga bởi đây là thị trường lớn thứ 2 ở châu lục và lớn thứ 6 thế giới.
Nếu Nga quyết định trả đũa, khó khăn sẽ ập xuống các hãng xe nước ngoài, mà năm ngoái xuất xưởng tại Nga hơn một nửa trong tổng số 2,608 triệu xe tiêu thụ.
Các thương hiệu lớn của Đức đều đã có mặt tại Nga như VW, Daimler AG, BMW. Với Paris nếu trừng phạt Nga có thể dễ dàng dẫn tới việc Pháp tới việc mất chỗ đứng trên thị trường ôtô Nga nơi các doanh nghiệp ôtô Pháp đang có ưu thế. Không chỉ liên doanh Renault-Nissan, đang có cổ phần trong AvtoVAZ, chiếm vị trí số 1 trên thị trường Nga, mà PSA Peugeot Citroën cũng đang chiếm thị phần đáng kể. Nếu bị trả đũa, Pháp có thể mất nhiều tỷ euro từ thị trường xe hơi Nga. Thiệt hại sẽ không nhỏ khi trong gần 10 năm qua riêng VW đã đầu tư tại Nga hơn 1,3 tỷ euro. Với Renault-Nissan con số còn lớn hơn.
Các số liệu dưới đây càng cho thấy quan ngại của Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone, không phải là vô cớ. Kim ngạch thương mại Đức - Nga năm 2013 đã đạt 76 tỷ euro; tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Đức ở Nga đã lên tới 20 tỷ euro và hiện có khoảng 6.000 công ty Đức đang đầu tư và hợp tác ở Nga. Năm ngoái các doanh nghiệp Pháp đã xuất khẩu gần 8 tỷ euro sang Nga; 1.200 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại "xứ sở Bạch Dương" và ngành ngân hàng Pháp đang nắm trong tay hơn 36 tỷ euro tín dụng của các tập đoàn Nga. Do vậy Paris hay Berlin chắc chắn phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định trừng phạt nước Nga.
Ngoài ra, hậu quả về kinh tế, nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, cũng nhiều khả năng xảy ra với nước Anh, cùng các nước EU có quan hệ kinh tế gắn bó với Nga như Italy, Áo, Cyprus và Hy Lạp. Như vậy xem ra cái giá mà châu Âu phải trả khi gia tăng trừng phạt Nga rõ ràng không hề nhỏ.
Có thể nói vì những quyền lợi kinh tế riêng của từng nước, 28 thành viên EU đều không mặn mà với việc phong tỏa kinh tế nước Nga. Mặc dù không quá phụ thuộc vào Nga, song Mỹ cũng sẽ phải trả giá khi thực hiện các biện pháp trừng phạt. Chẳng hạn hãng sản xuất máy bay Boeing đang phải nhập từ Nga 40% nhu cầu titan, vật liệu quan trọng cho sản xuất máy bay Boeing 787 Dreamliner. Dù cho các đại gia ôtô Mỹ như GM, Ford hay Chrysler bán được lượng xe tại Trung Quốc lớn gấp nhiều lần so với thị trường Nga, song trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, sụt giảm doanh số xe thậm chí chỉ là vài phần trăm cũng có thể gây thua lỗ lớn, dẫn tới sa thải nhân công và đóng cửa nhà máy.
Sau khi trừng phạt một số ngân hàng Nga để gây sức ép, các chính trị gia ở Washington đã được các nhà tài phiệt ở Phố Wall cảnh báo rằng việc đẩy tất cả các ngân hàng Nga khỏi tầm với của họ không bao giờ là một ý tưởng tốt. Đối với giới tài chính Mỹ, phải làm sao để các quốc gia như Nga luôn mở cửa để họ có thể "tấn công" vào nền kinh tế của các nước đó. Theo họ, chỉ nên trừng phạt Ngân hàng Rossiya của Nga để răn đe mà thôi./.