Trung Mỹ tiếp tục là điểm nóng trên hành trình di cư đến Mỹ

Chỉ riêng trong quý 1, Cơ quan Di trú Quốc gia Panama đã ghi nhận 13.425 người di cư bất hợp pháp qua rừng rậm Darien, cao hơn gấp đôi so với con số 5.622 người của cùng kỳ năm ngoái.
Người di cư di chuyển tại Huixtla, bang Chiapas, Mexico trong hành trình tới Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng gia tăng dòng người di cư bất thường vào Panama thông qua rừng rậm Darien đầy rẫy hiểm nguy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về khu vực Trung Mỹ, điểm nóng tập trung hàng nghìn người đến từ khắp nơi trên thế giới nhưng có chung mục đích là tìm kiếm cơ hội tới Mỹ.

Theo số liệu chính thức, năm ngoái hơn 133.000 người di cư đã băng qua rừng rậm Darien, biên giới tự nhiên giữa Colombia, bất chấp những mối nguy hiểm tự nhiên và nguy cơ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn lậu, buôn người và tội phạm có tổ chức khác. Con số này tương đương với tổng số người ghi nhận trong cả thập kỷ trước đó.

Chỉ riêng trong quý 1, Cơ quan Di trú Quốc gia Panama đã ghi nhận 13.425 người di cư bất hợp pháp qua con đường này, cao hơn gấp đôi so với con số 5.622 người của cùng kỳ năm ngoái.

Theo các cơ quan chức năng, năm ngoái người Haiti chiếm hơn 70% số người di cư, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc khủng hoảng chính trị tại quê hương, hay do nạn thất nghiệp ở Brazil và Chile, nơi họ đã đến định cư từ gần một thập kỷ trước.

Trả lời phỏng vấn trước cuộc họp cấp bộ trưởng về di cư dự kiến diễn ra ngày 19-20/4 tại Panama, Ngoại trưởng Erika Mouynes nhận định khu vực cần có một chiến lược thống nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư, vì dòng người di cư luôn biến đổi không ngừng.

Dự kiến cuộc họp sẽ có đại diện cấp cao của 22 quốc gia tham dự, trong đó phía Mỹ có Ngoại trưởng Anthony Blinken và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas.

[Chile ban bố tình trạng khẩn cấp ở miền Bắc đối phó làn sóng di cư]

Thông tin chính thức cho biết phái đoàn Mỹ sẽ thúc đẩy cam kết của Washington trong hợp tác giải quyết những thách thức liên quan đến di cư bất hợp pháp trong khu vực, trong đó có việc giải quyết từ gốc rễ tình trạng này.

Đại diện Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Honduras Andrés Celis nhấn mạnh dòng người di cư ồ ạt phản ánh nhu cầu cấp bách phải cải thiện điều kiện sống tại các quốc gia nguồn gốc, cũng như thúc đẩy các hành động có sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau.

Về phần mình, người đứng đầu phái bộ Panama của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Santiago Paz dự báo dòng người di cư sẽ không dừng lại, và cho biết năm ngoái khu vực đã kêu gọi huy động 75 triệu USD để hỗ trợ tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng.

Từ hàng thập kỷ nay, Tam giác Bắc Trung Mỹ - gồm Honduras, Guatemala và El Salvador, đã là điểm xuất phát của hàng chục nghìn người tìm đến Mỹ mỗi năm, vì lý do kinh tế, chính trị, hoặc để thoát khỏi bạo lực của các tổ chức tội phạm.

Bất chấp các biện pháp thắt chặt nhập cư ở Mỹ và Mexico trong những năm gần đây, cũng như bi kịch của những người di cư mất tích duới bàn tay của tội phạm có tổ chức, dòng người hướng đến Bắc Mỹ vẫn đạt kỷ lục.

Trong năm tài khóa 2021, kết thúc vào tháng Chín năm ngoái, cơ quan chức năng Mỹ đã phát hiện hơn 1,7 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới với Mexico.

Mới đây nhất, ngày 17/4 vừa qua Viện Di trú Quốc gia Mexico (INM) cho biết từ đầu năm đến nay đã chặn lại 115.379 người di cư, chủ yếu đến từ các nước Trung Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục