Mạng tin eastasiaforum.org cho biết trong lúc giữa Trung Quốc và Mỹ đang nảy sinh những bất đồng lớn, cơ hội để Hàn Quốc có thể duy trì khả năng "tự chủ" của mình vẫn chưa rõ ràng.
Điều này đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc cần xây dựng một chiến lược mới để tăng cường vị thế địa chính trị của Seoul.
Sự trung lập vĩnh viễn, bao gồm một tuyên bố được hậu thuẫn bởi một hiệp ước quốc tế thể hiện sự trung lập của cả hai miền Triều Tiên trong bất kỳ cuộc xung đột quyền lực lớn nào trong tương lai, sẽ là một sự thay đổi trò chơi phản ánh một cách tương xứng các thế lực quốc tế lớn đang chuyển đổi cấu trúc an ninh của Đông Á.
Một bán đảo Triều Tiên trung lập có thể trấn an Trung Quốc rằng cửa ngõ để tới trung tâm của lục địa Âu-Á này hoàn toàn không chịu nhiều tác động ảnh hưởng về địa chính trị theo ý đồ của Mỹ.
Hơn nữa, sự trung lập của Hàn Quốc cũng có thể được xem như một trường hợp thử nghiệm cho sự hợp tác trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc ở những khu vực xung đột khác.
[Thượng đỉnh liên Triều: Bắt đầu sứ mệnh khó khăn của Hàn Quốc]
Nga và Nhật Bản cũng giữ vững lập trường có được từ sự trung lập. Nga hiện đang tìm cách trở thành "bên thứ ba" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vị thế địa chính trị mới của Hàn Quốc cũng có thể phù hợp với tầm nhìn chiến lược của Nga trong sự hội nhập của Đông Bắc Á.
Điều này cũng có thể ngăn chặn khả năng Mỹ đơn phương thống trị chiến lược địa kinh tế của Hàn Quốc. Nhật Bản vốn coi bán đảo Triều Tiên là phần trung gian để đối phó với các cường quốc lục địa nhưng một bán đảo Triều Tiên trung lập lại có thể hỗ trợ Nhật Bản thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương "tự do và mở cửa" đồng thời tước bỏ cơ hội của Trung Quốc để khai thác Hàn Quốc như một cửa ngõ để đi ra Thái Bình Dương.
Hai miền Triều Tiên cũng có thể được hưởng lợi lớn từ sự trung lập. Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều nhận thấy rõ khả năng yếu kém của mình trong cạnh tranh về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ với bốn cường quốc lớn kể trên.
Sự trung lập là một chiến lược lý tưởng để cả Triều Tiên và Hàn Quốc nhận ra rằng họ sẽ không thể có được quyền tự chủ linh hoạt nếu chưa thống nhất và điều này trước mắt có thể đạt được thông qua hội nhập kinh tế và chính trị dần dần.
Là bước tiến đầu tiên hướng tới sự trung lập bền vững, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực cần phải hợp tác trong việc xây dựng một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên bởi hòa bình và ổn định bền vững là những điều kiện cần thiết để có được sự trung lập.
Điều này cũng đòi hỏi hai miền Triều Tiên duy trì các cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên để tiếp tục duy trì động lực đối thoại nhằm tạo dựng niềm tin và thiết lập các biện pháp an ninh.
Việc hai miền Triều Tiên cùng với Mỹ và Trung Quốc tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên cũng sẽ dẫn đến việc thiết lập một nền hòa bình trên bán đảo này.
Đổi lại, Triều Tiên cũng phải thực hiện những cam kết về phi hạt nhân hóa bằng việc cho phép các thanh sát viên quốc tế được "mục sở thị" các cơ sở hạt nhân của mình.
Tiếp đến, để niêm phong các đầu đạn hạt nhân và các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên có thể ký kết một hiệp ước với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ. Điều này cũng có thể tạo tiền đề cho việc xây dựng một cấu trúc an ninh mới cho khu vực Đông Bắc Á.
Để biến giả định này thành hiện thực, hai miền Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ cần phải phối hợp với Nga và Nhật Bản tổ chức Diễn đàn An ninh Đông Bắc Á.
Diễn đàn thường niên này sẽ đề cập đến các vấn đề an ninh có liên quan đến sự trung lập của bán đảo Triều Tiên như vấn đề kiểm soát vũ khí, các cuộc đàm phán đa phương ở Đông Bắc Á.
Bên cạnh đó, điều này cũng cho phép các bên liên quan có thể khai thác một cơ chế hợp tác mới, mặc dù sẽ mất nhiều thời gian nhưng lại là một tiến trình cần thiết để ngăn chặn các cuộc xung đột nảy sinh bất ngờ trong khu vực.
Giai đoạn này cũng có thể được chứng kiến tiến trình giải giáp hạt nhân của Bình Nhưỡng được xác thực bởi các thanh sát viên của IAEA cùng với sự gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Các dự án về cơ sở hạ tầng (đặc biệt là đường sắt), công nghiệp và học thuật chung, các cuộc đàm phán quân sự và các cuộc đối thoại cấp nghị viện cũng cần được tiến hành một cách kiên nhẫn để tăng cường sự cùng tồn tại trong hòa bình giữa hai miền Triều Tiên.
Đây cũng là thời điểm hai miền Triều Tiên có điều kiện để xây dựng khung đàm phán tiến tới thống nhất một cách trung lập.
Tùy thuộc vào tốc độ giải giáp hạt nhân, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ cũng có thể nằm trong các lá bài vốn có thể mang lại cảm giác "hợp tình hợp lý" cho Bình Nhưỡng.
Việc kiểm soát vũ khí thông thường trên bán đảo Triều Tiên cũng phải được tiến hành để giảm bớt căng thẳng về an ninh.
Thỏa thuận này đòi hỏi phải có khung thời gian và quy mô cụ thể được thẩm định bởi một cơ quan giám giát chung gồm các đại diện của giới chức Mỹ và hai miền Triều Tiên.
Bắc Kinh và Washington cũng có thể tự chuẩn bị cho các cuộc đàm phán kéo dài liên quan đến vấn đề gỡ bỏ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc để đổi lấy việc Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng ngoại giao của mình để gia tăng tốc độ giải giáp hạt nhân của Triều Tiên.
Cùng với những bước tiến của Hội nghị Vienna (1815) chính thức công nhận sự trung lập của Thụy Sĩ, bước tiến cuối cùng có thể được thấy ở phiên họp đặc biệt vốn sẽ cho ra đời một hiệp ước về sự trung lập bền vững của bán đảo Triều Tiên trong đó Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ đóng vai trò là những "người bảo hộ."
Washington cũng có thể đồng ý chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc và kết thúc mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn sau khi hai miền Triều Tiên thống nhất. Những bước đi này sẽ dẫn đến một bán đảo Triều Tiên không liên kết và trung lập./.