Các nhà khảo cổ Trung Quốc vừa phát hiện một quả trứng hóa thạch của một loài rùa khổng lồ thời tiền sử đã tuyệt chủng, trong trứng vẫn còn phôi thai.
Hóa thạch được phát hiện tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, được xác định là có niên đại khoảng 100 triệu năm trước đây, trong kỷ Phấn trắng.
Dựa trên việc tái tạo hình ảnh 3D, với sự trợ giúp của máy quét micro-CT có độ chính xác cao, các nhà nghiên cứu khẳng định quả trứng khổng lồ và có vỏ dày bất thường là trứng của loài Nanhsiungchelyidae - loài rùa cạn lớn đã tuyệt chủng.
[Phát hiện hóa thạch niên đại hàng trăm triệu năm ở Trung Quốc]
Loài rùa này có thể phát triển dài tới 1,6m. Vỏ trứng hóa thạch trên dày gần 2mm, theo đó nằm trong số những quả trứng rùa Mesozoi có vỏ dày và lớn nhất thế giới được phát hiện cho đến nay.
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu lý do tại sao vỏ trứng dày như vậy, song nhiều khả năng là để thích nghi với môi trường cực kỳ khắc nghiệt thời kỳ đó.
Trong phần vỡ của quả trứng hóa thạch, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một cấu trúc giống như xương và họ cho rằng đó có thể là rùa con đang chuẩn bị chui ra khỏi vỏ trứng.
Theo đó, loài rùa này có từ cuối kỷ Trias và dần tiến hóa thành bò sát trong khoảng hơn 200 triệu năm.
Kết quả nghiên cứu quả trứng hóa thạch này đã được đăng trên website của tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences./.