Theo AP/Reuters/AFP/Đài RFI, ngày 16/5, những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Venezuela đã có bước tiến mới khi chính phủ và phe đối lập đã cử các đại diện tới tham gia đàm phán ở Na Uy, mặc dù vậy sự nghi kỵ và những khác biệt giữa hai bên về các vấn đề then chốt có thể khiến họ không thể nhanh chóng thống nhất được một giải pháp.
Nỗ lực làm trung gian của Na Uy, được các quan chức của phe đối lập xác nhận, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đã biến thành bạo lực trên đường phố khi phe đối lập kêu gọi một cuộc nổi dậy quân sự ngày 30/4 nhưng thất bại.
Có rất ít thông tin chi tiết về tiến trình đàm phán này, bao gồm việc liệu các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các đại diện của hai bên có nằm trong chương trình nghị sự hay không.
Lãnh đạo đối lập Juan Guaido ngày 16/5 cho biết ông đã cử các đại diện tới Na Uy để tham gia nỗ lực làm trung gian của Oslo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Venezuela, nhưng ông phủ nhận việc đàm phán với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Ông nói với một đám đông ủng hộ ở Caracas: "Một số phái viên đã tới Na Uy," và rằng Na Uy đang nỗ lực đưa hai bên vào bàn đàm phán nhưng các cuộc đàm phán vẫn chưa diễn ra.
Ông Guaido tuyên bố: "Không có gì gọi là đàm phán cả," thay vào đó các quan chức Na Uy đang "nỗ lực làm trung gian" với cả hai bên để đưa hai bên vào bàn đàm phán.
Theo hãng tin AFP, phát biểu tại Caracas, ông Guaido xác nhận việc Phó Chủ tịch Quốc hội Stalin Gonzalez và cựu nghị sỹ Gerardo Blyde là đại diện của phe đối lập tại Na Uy.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng phe đối lập sẽ không tham gia bất kỳ cuộc "đàm phán giả" nào. Guaido nói rằng bất kể cuộc đàm phán nào đều phải dẫn tới sự chấm dứt của chính phủ Nicolas Maduro, và sau đó thay thế bằng một chính quyền chuyển tiếp.
Cùng quan điểm, một quan chức trong chính quyền Mỹ, yêu cầu giấu tên, nói rằng chủ đề duy nhất nên được thảo luận trong các cuộc đàm phán ở Na Uy là sự ra đi của ông Maduro và một quá trình chuyển giao sang một chính phủ mới được bầu ra một cách dân chủ.
Ông Maduro không trực tiếp bình luận về nỗ lực trung gian của Na Uy, tuy nhiên ông cho biết Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez đã thực hiện "phần đầu tiên" của một sứ mệnh quan trọng ở châu Âu.
[Tổng thống Maduro: Đàm phán hòa bình với phe đối lập có khởi đầu tốt]
Truyền thông đưa tin rằng Bộ trưởng Truyền Thông Venezuela Jorge Rodriguez và Thống đốc bang Miranda, Hector Rodriguez, đại diện cho chính phủ của ông Maduro tới Na Uy.
Ông Maduro nói rằng ông đang đợi ông Rodriguez trở về Venezuela và những thông tin chi tiết sẽ được tiết lộ sau đó.
Kênh truyền hình và đài phát thanh NRK của Na Uy, trích các nguồn tin giấu tên, đã đưa tin rằng các cuộc đàm phán đã diễn ra "nhiều ngày qua" tại một địa điểm bí mật ở Oslo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Na Uy Ane Haavardsdatter Lunde nói với hãng tin AFP: "Chúng tôi không thể xác nhận hay phủ nhận sự liên quan của Na Uy trong các tiến trình đàm phán hòa bình hay các sáng kiến đối thoại." Nhiều báo chí Nam Mỹ cũng đưa tin các cuộc đàm phán đã được tổ chức.
Sáng kiến làm trung gian của Na Uy diễn ra cùng lúc với nhiều nỗ lực ngoại giao khác: lãnh đạo phe đối lập Guaido nói rằng ông có kế hoạch gặp một đoàn đại biểu đến từ một nhóm các quốc gia gồm phần lớn là các nước châu Âu.
Tại Havana, Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Chrystia Freeland, đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez - người đã viết một tweet rằng Cuba đã sẵn sàng đóng góp vào tiến trình đối thoại ở Venezuela.
Na Uy có một lịch sử dài và thành công với vai trò trung gian nước ngoài: Nước này đã tổ chức thành công các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine hồi tháng 9/1993, và giữa chính phủ Philippines với lực lượng nổi dậy Maoist năm 2011.
Na Uy cũng làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn năm 2002 giữa chính phủ Sri Lanka và nhóm nổi dậy Tamil Tigers.
7 năm trước, các nhà đàm phán của chính phủ Colombia và lực lượng nổi dậy cánh tả FARC đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên - sau một thập kỷ - ở Na Uy. Trung tâm giải pháp xung đột Na Uy đã chuẩn bị cho kế hoạch đưa hai bên đối lập ở Venezuela ngồi lại với nhau.
Tháng 10/2018, trung tâm này đã bảo trợ cho sáng kiến đưa một chuyên gia về giải pháp xung đột được đào tạo tại Harvad tới Caracas để thúc đẩy đối thoại tại quốc gia này.
Trong những tháng gần đây, với sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao Na Uy, các đại diện của trung tâm này đã thực hiện nhiều chuyến đi tới Caracas. Chính phủ Na Uy đã thúc giục hai bên đàm phán kể từ tháng 2/2019.
Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Ine Eriksen Soereide từng nói với các nghị sỹ Na Uy hồi tháng 3 vừa qua rằng Na Uy có thể sẽ là một trung gian đàn phán. Hàng loạt nỗ lực ngoại giao nói trên đã phản ánh một thực tế tại Venezuela, đó là không bên nào có thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quyền lực, khiến đất nước này rơi vào tình trạng tê liệt chính trị sau nhiều năm siêu lạm phát và thiếu hụt lương thực, thuốc men.
Geoff Ramsey, nhà nghiên cứu về Venezuela tại Văn phòng Mỹ Latinh ở Washington - một tổ chức phi chính phủ, nói: "Bạn đàm phán không phải vì bạn muốn, mà bởi vì bạn bắt buộc phải làm điều đó. Một điều đang trở nên khá rõ ràng là không bên nào có thể áp đặt chiến lược của mình đối với bên kia."
Tham gia một nỗ lực trung gian hòa giải là một "cú đảo ngược" của phe đối lập, vốn cáo buộc ông Maduro lợi dụng các cuộc đàm phán giai đoạn 2016-2018 để "câu giờ." Ngược lại, ông Maduro cho rằng phe đối lập đang nỗ lực chiếm quyền bằng vũ lực.
Các quan chức Mỹ cho biết họ đang tập trung vào các biện pháp ngoại giao và kinh tế để lật đổ Maduro.
Tuy nhiên, Guaido cho biết đại diện của ông ở Washington, Carlos Vecchio, sẽ có cuộc gặp với các nhà chiến lược quân sự của Bộ chỉ huy khu vực Nam Mỹ vào tuần tới.
Rất nhiều người Venezuela ủng hộ phe đối lập tỏ ra hoài nghi về các cuộc đàm phán thông qua trung gian, do các vòng đàm phán trước đây đã thất bại, khiến phe đối lập bị chia rẽ, và trong quan điểm của họ, nó chỉ giúp ông Maduro có thể thời gian để củng cố quyền lực và đàn áp những người biểu tình.
Trong khi đó, báo Le Figaro (Pháp) đưa tin, ngày 14/5, các nghị sỹ, nhà báo và nhân viên bị cơ quan an ninh Sebin và vệ binh quốc gia chặn lại không cho vào tòa nhà Quốc hội, với lý do có một quả bom đang được tháo gỡ. Đến chiều vòng rào an ninh lại được mở rộng khiến Quốc hội không thể họp được./.