Trung du và miền núi vẫn là 'vùng trũng,' 'lõi nghèo' của cả nước

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung du và miền núi phía Bắc vẫn là “vùng trũng,” "lõi nghèo" của cả nước khi tỷ lệ nghèo đa chiều của vùng năm 2022 là 22%, gấp gần 3 lần bình quân cả nước.
Trung du và miền núi vẫn là 'vùng trũng,' 'lõi nghèo' của cả nước ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối Vùng trung du và miền núi phía Bắc diễn ra ngày 15/9, tại tỉnh Hòa Bình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Vùng trung du và miền núi phía Bắc chủ trì Hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc (gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên).

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị thành viên Hội đồng, lãnh đạo Bộ, ngành và địa phương tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Điều phối Vùng trung du và miền núi phía Bắc nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, phù hợp quy định pháp luật và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh các tỉnh cần quan tâm đến công tác quy hoạch; tích cực tham gia ý kiến vào quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch Quốc gia; có trách nhiệm tham gia ý kiến đối với các ngành, lĩnh vực trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước cần phối hợp trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Các địa phương nghiên cứu, rà soát cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, đề xuất bổ sung về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc, thúc đẩy liên kết vùng bảo đảm quy định, thực hiện đồng bộ, nhất quán.

[Thủ tướng ký quyết định Thành lập hai Hội đồng Điều phối Vùng]

Các tỉnh tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực; sử dụng nguồn vốn đầu tư công để dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước thực hiện chương trình, dự án quan trọng của vùng, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Đặc biệt, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, liên vùng không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng...

Hội nghị đã công bố Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 về việc thành lập Hội đồng Điều phối Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Hội đồng Điều phối Vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, toàn diện Vùng trung du và miền núi phía Bắc. Hội đồng do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch và đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm.

Trung du và miền núi vẫn là 'vùng trũng,' 'lõi nghèo' của cả nước ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của cả nước song quy mô còn khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng 8-9% GRDP cả nước). Chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, phát triển vùng ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước. Đây vẫn là “vùng trũng,” "lõi nghèo" của cả nước (tỷ lệ nghèo đa chiều của vùng năm 2022 là 22%, gấp gần 3 lần bình quân cả nước).

Liên kết, hợp tác giữa các địa phương chưa thực chất, hiệu quả thấp, đặc biệt là phát triển hợp tác với các địa phương ngoài vùng và với các tỉnh của Lào, Trung Quốc, giải quyết vấn đề mang tính toàn vùng như lao động, việc làm, thị trường tiêu thụ, môi trường, hệ thống kết nối giao thông, nhất là kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ trong vùng…

Đây là hội nghị quan trọng nhằm thảo luận, định hướng giải pháp từng bước xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đủ mạnh, hiệu quả và khả thi, tiến tới đạt được các mục tiêu chung của vùng đã được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng Quy hoạch Vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với trọng tâm là phát triển vùng theo hướng xanh, bền vững và toàn diện trên cả ba trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường, đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước.

Chia sẻ những khó khăn của các tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nhấn mạnh quan điểm phát triển cần giữ vững định hướng: giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị Trung ương hỗ trợ cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; nghiên cứu cơ chế, chính sách cho người dân sống nhờ rừng; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh…

Tại Hội nghị, các đại biểu trình bày tham luận về: giải pháp và ổn định dân di cư tự do, định canh, định cư, giảm nghèo bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự xã hội; phát triển kinh tế-xã hội bền vững với kinh tế cửa khẩu; phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ gắn với các liên kết vùng; phát triển bền vững du lịch hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường sống xanh; giải pháp phát triển trở thành điểm đến xanh với nền Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người; định hướng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử cách mạng tiêu biểu đặc trưng Vùng trung du và miền núi phía Bắc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng…

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ các tỉnh trong vùng phải xây dựng nguyên tắc, ứng xử chung cho khu vực để giải quyết vướng mắc trên cơ sở đảm bảo tính khả thi, xác định nguồn lực, đầu tư có lựa chọn, phù hợp với các dự án trong quy mô liên kết vùng.

Các địa phương xây dựng lộ trình theo thứ tự ưu tiên, với nguyên tắc ưu tiên phát triển giao thông và nghiên cứu chính sách cho người dân sống được nhờ rừng, đồng thời, tính toán đến những tác động không mong muốn của biến đổi khí hậu và quan tâm đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình của Mặt trận Tổ quốc để tạo nguồn lực phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục