Trung Đông trước mối đe dọa từ kho vũ khí tên lửa của Iran

Chuyên gia nhận định chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vẫn tiến triển với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là khi Tehran đang phát triển nhanh vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa hơn.
Tên lửa Ghassem Soleimani do Iran chế tạo được phóng thử từ một địa điểm bí mật. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng Arab News mới đây đăng bài phân tích về những động thái gần đây của Iran, trong đó cho rằng kho vũ khí tên lửa của nước Cộng hòa Hồi giáo này, đang được tăng cường số lượng, là mối đe dọa đối với cả khu vực Trung Đông.

Theo tác giả bài viết, Tiến sỹ Majid Rafizadeh, nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Iran, trong khi phần lớn cộng đồng quốc tế đang tập trung vào việc duy trì Thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), việc Iran tăng tốc chương trình tên lửa đạn đạo mới nhất của họ đã nhận được rất ít sự chú ý, giám sát hoặc chỉ trích.

Bất chấp sức ép về kinh tế và chính trị mà chính quyền Iran đang phải đối mặt, chương trình tên lửa đạn đạo của nước này vẫn tiến triển với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là khi Tehran đang phát triển nhanh vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa hơn.

Tháng trước, Tehran đã đưa ra một số tên lửa mới, bao gồm một tên lửa đạn đạo đất đối đất được gọi là "Martyr Haj Qassem" và một tên lửa hành trình tầm xa của hải quân mang tên "Martyr Abu Mahdi" cũng như một số động cơ phản lực chất lượng cao.

Iran hiện sở hữu kho vũ khí tên lửa đạn đạo đa dạng và lớn nhất ở Trung Đông, chưa có quốc gia nào có được tên lửa đạn đạo tầm xa trước khi sở hữu vũ khí hạt nhân.

[Iran kích hoạt 1.044 lò phản ứng tại cơ sở làm giàu urani Fordow]

Năng lực tên lửa đạn đạo của Iran là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong chính sách an ninh quốc gia của Chính quyền Tehran.

Chúng có thể được sử dụng cho các mục đích tấn công hoặc phòng thủ nhưng các tên lửa hiện đại chủ yếu được phát triển làm phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân.

Việc chính quyền nước này mở rộng chương trình tên lửa đạn đạo của họ gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực và lợi ích quốc gia của các nước khác vì 3 lý do sau:

Thứ nhất, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã không ngại phô trương khả năng tên lửa đạn đạo của họ và đe dọa các chính phủ khác.

Ví dụ, một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng trước bỏ phiếu chống lại việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, tiêu đề bản tin của hãng Afkar News do nhà nước kiểm soát đã nêu rõ: "Lãnh thổ Mỹ giờ đã nằm trong tầm ném bom của Iran."

Bản tin này đã "khoe khoang" về những thiệt hại mà Chính quyền Iran có thể gây ra cho Mỹ với luận điệu "bằng cách đưa một vệ tinh quân sự vào không gian, Iran hiện đã chứng tỏ họ có thể nhắm mục tiêu vào tất cả lãnh thổ của Mỹ.

Quốc hội Iran trước đó đã cảnh báo một cuộc tấn công hạt nhân điện từ vào Mỹ có thể sẽ giết chết 90% người Mỹ."

Bản tin này cũng đe dọa châu Âu, những nước mà các thành viên JCPOA cố ý bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu về việc mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.

Bản tin nêu rõ: "Công nghệ tên lửa đạn đạo tương tự được sử dụng để phóng vệ tinh có thể mang vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc thậm chí sinh học để quét sạch Israel khỏi bản đồ, tấn công các căn cứ của Mỹ và đồng minh trong khu vực cũng như các cơ sở của Mỹ và nhắm mục tiêu vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể cả ở vùng viễn Tây của châu Âu."

Các máy ly tâm bên trong cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thứ hai, chương trình tên lửa đạn đạo mở rộng của Iran và các cuộc thử nghiệm thường xuyên của họ gây ra cảm giác bất an ở Trung Đông.

Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến bất ổn hơn nữa, tình trạng quân sự hóa và chạy đua vũ trang trong khu vực.

Ví dụ, Israel được cho là đã cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow của họ để đối phó với chương trình tên lửa của Iran.

Trong khi các nhà lãnh đạo Iran lập luận rằng họ không vi phạm bất kỳ luật quốc tế nào khi phóng thử tên lửa đạn đạo, rõ ràng Tehran đang vi phạm nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an.

Nghị quyết này kêu gọi nước Cộng hòa Hồi giáo "không thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo được thiết kế để có khả năng mang vũ khí hạt nhân, bao gồm cả các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo như vậy."

Ngoài ra, khi Iran và các nước ký kết JCPOA còn lại khác vẫn tranh luận rằng thỏa thuận hạt nhân vẫn còn hiệu lực, Tehran không nên thực hiện bất kỳ hoạt động tên lửa đạn đạo nào "cho đến 8 năm sau Ngày thông qua JCPOA (18/10/2015) hoặc cho đến ngày mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đệ trình báo cáo xác nhận kết luận rõ ràng hơn."

Thứ ba, liên quan đến thực tế là những đối tượng hưởng lợi từ kho vũ khí tên lửa đạn đạo ngày càng mở rộng của Iran nói chung là khủng bố và các nhóm dân quân.

Hassan Nasrallah, thủ lĩnh phong trào Hezbollah ở Liban, trước đây đã thừa nhận: "Chúng tôi công khai về thực tế là ngân sách, thu nhập, chi phí của phong trào Hezbollah, mọi thứ ăn uống, vũ khí và tên lửa đều đến từ Cộng hòa Hồi giáo Iran."

Iran cũng đã giúp lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen phát triển công nghệ tên lửa.

Một hội đồng chuyên gia của Liên hợp quốc đã cho rằng rất khó có khả năng phiến quân Houthi có thể tự sản xuất tên lửa như vậy.

Báo cáo của hội đồng này nêu rõ: "Các đặc điểm thiết kế và kích thước của các thành phần được hội đồng kiểm tra phù hợp với những gì được báo cáo về tên lửa Qiam-1 do Iran thiết kế và sản xuất."

Hơn nữa, Chính quyền Iran được cho là đã thiết lập các nhà máy sản xuất vũ khí ở nước ngoài và đang sản xuất vũ khí tiên tiến ở một số nước, trong đó có cả Syria.

Một số vũ khí mà nước Cộng hòa Hồi giáo này đang sản xuất ở Syria có tên lửa dẫn đường chính xác.

Các nhà máy sản xuất vũ khí như vậy giúp Iran có khả năng phát động chiến tranh hoặc tấn công các quốc gia khác từ các quốc gia như Syria, Liban, Iraq hoặc Yemen.

Nói cách khác, các giáo sỹ cầm quyền ở Iran sẽ không cần phải trực tiếp tham gia vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào có thể gây nguy hiểm cho việc nắm giữ quyền lực của họ.

Thay vào đó, họ có thể khai thác các bên thứ ba để tấn công chống lại các quốc gia khác.

Liên hợp quốc cần phải lưu ý việc chế tạo tên lửa đạn đạo của Chính quyền Iran và ngăn chặn việc Tehran phân phối công nghệ tên lửa cho các nhóm dân quân và khủng bố trong toàn khu vực./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục