Theo trang mạng Eurasiareview.com, vụ mất tích của nhà báo người Saudi Arabia, ông Jamal Khashoggi, khi ông đi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra những ẩn ý lâu dài đối với khu vực Trung Đông và đặc biệt đối với Saudi Arabia.
Trong khi đó, sự phản ứng lập lờ của chính quyền Trump cho thấy mức độ rủi ro lớn lao mà Washington có thể phải đối mặt.
Thổ Nhĩ Kỳ xử lý sự việc này một cách thận trọng, vừa tiết lộ những thông tin cho thấy Khashoggi bị tra tấn và giết hại bên trong lãnh sự quán, vừa cam kết sẽ hợp tác điều tra.
Thế nhưng, việc một nhóm vệ sinh chuyên nghiệp xuất hiện tại lãnh sự quán nhiều giờ trước khi nhóm pháp y đến đã cho thấy sự thiếu nghiêm túc cho cuộc điều tra này.
Ngoài ra, Ankara muốn giới báo chí giữ trọng tâm vấn đề vào Riyadh và không bới móc những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các đồng minh gần gũi nhất của Saudi Arabia ở Trung Đông là Abu Dhabi và Manama lại đứng về phía Thái tử Mohammed bin Salman. Thực ra, hai nước này cũng không có sự lựa chọn. Trong khi đó, những nước khác trong thế giới Arab và Hồi giáo này chắc chắn mãn nguyện khi nhìn Saudi Arabia rơi vào tình thế đau đớn này bởi họ không ưa gì Vương quốc này.
[Mỹ: Còn quá sớm để nói về khả năng trừng phạt Saudi Arabia]
Còn với Iran, sau vụ nhà báo mất tích, Tehran là “kẻ thắng cuộc” khi tỏ ra “khoái chí” trước việc Riyadh đi giữa làn đạn chỉ trích.
Trong khi đó, các cường quốc phương Tây dường như không muốn bị nhìn nhận là “bao che” cho Thái tử Mohammed bin Salman. Giờ thì ngày càng khó hơn để thuyết phục giới nghị sỹ mang tư tưởng hoài nghi ở Washington, London, Ottawa cũng như ở các nước khác thông qua các thương vụ vũ khí cho Saudi Arabia.
Với Washington, Saudi Arabia là đồng minh lâu đời nhất trong khu vực. Mối quan hệ này có từ năm 1943 khi Tổng thống Mỹ thời ấy là Franklin Roosevelt đã đón tiếp hai quốc vương tương lai, Faisal và Khalid, tại Nhà Trắng với tư cách là phái viên của Quốc vương Abdel Aziz.
Quan hệ giữa Washington và Riyadh dựa trên những lợi ích chồng lấn, đặc biệt về dầu mỏ, chứ không phải dựa trên những lợi ích chung. Saudi Arabia và Mỹ không chia sẻ những giá trị phổ quát và tồn tại sự khác biệt đặc biệt rõ nét về tự do ngôn luận.
Mối quan hệ này lâu nay rơi vào thế mong manh, dễ tiến tới khủng hoảng, song các đời tổng thống Mỹ kể từ sau Roosevelt đều “ve vãn” Saudi Arabia.
Trong số đó, không một vị tổng thống Mỹ nào lại ve vãn vương quốc này một cách lộ liễu như ông Donald Trump. Ví dụ, để lấy lòng Riyadh, ông Trump đã ỉm đi những vụ tàn sát ở Yemen và cố nhào nặn hình ảnh giáo phái cực đoan Wahhabi của Saudi Arabia như một lực lượng NATO của Arab.
Toàn bộ kế hoạch hòa bình Trung Đông, do con rể ông Trump là Jared Kushner thiết kế, là nhờ bàn tay trợ giúp của Israel và Saudi Arabia.
Khi đặt cược chính sách Trung Đông vào Thái tử Mohammed bin Salman, ông Trump giờ chịu trách nhiệm đối với hồ sơ của người được ông bảo trợ này. Rõ ràng, ông Trump tỏ ra chẳng mấy dễ chịu gì khi thảo luận về cái chết của nhà báo Khashoggi.
Tuy nhiên, khi Thái tử Mohammed bin Salman thề đáp trả mạnh tay nếu ông Trump trừng phạt ông và Saudi Arabia vì vụ nhà báo này thì Riyadh có nguy cơ gây ra sự chia rẽ đang ngày một sâu sắc hơn bao giờ hết đồng thời tự đẩy mình vào thế cô lập với cộng đồng quốc tế./.