Trung Đông - nút khởi động cho tiến trình ngoại giao của ông Biden

Các lãnh đạo Iran và Chính quyền Palestine đều thể hiện kỳ vọng về chính quyền mới của Mỹ, phản ánh suy nghĩ rằng Washington dưới thời ông Joe Biden rất có thể sẽ thúc đẩy giải quyết các khúc mắc.
Trung Đông - nút khởi động cho tiến trình ngoại giao của ông Biden ảnh 1Ông Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng thehill.com đưa tin Antony Blinken, người được ông Joe Biden dự kiến đưa vào vị trí ngoại trưởng trong chính quyền của ông, sẽ cùng đội ngũ của mình kế thừa nền tảng được cho là vững chắc nhất trong nhiều thập kỷ qua để thúc đẩy tiến trình hòa bình lâu dài cho một Trung Đông đầy biến động.

Điều này diễn ra trong bối cảnh đồng minh thân cận nhất và có thị trường dân chủ duy nhất của Mỹ trong khu vực - đó là Israel - đang thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với các nước Arab láng giềng.

Đây là tiến trình tái cơ cấu quan hệ trong khu vực với khả năng mang lại những ngã rẽ mới cho lợi ích an ninh của Mỹ nếu chính quyền tiếp theo được chuẩn bị để đủ để xây dựng những chính sách phù hợp nhằm đáp ứng với những diễn biến sắp tới.

Saudi Arabia cùng nhiều quốc gia khác được cho là đang tiến đến rất gần khả năng sẽ cùng Israel ký kết các thỏa thuận hòa bình, tương tự những gì Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan đã làm gần đây - một tiến trình được gọi chung là Hiệp định Abraham.

[Lý do khiến Israel vẫn lo lắng về kết quả bầu cử ở Mỹ]

Các bên tham gia hiệp định cùng có chung lợi ích trong việc ngăn Iran trở thành cường quốc hạt nhân, cản trở quốc gia này tiếp tục tài trợ cho khủng bố và có thêm những hành động sai trái khác trong khu vực.

Tất nhiên, hiệp định cũng bao hàm cả những động cơ chiến lược tích cực như mở cửa cho các bên tham gia hiệp định tiếp cận các công nghệ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và an ninh mạng của Israel cũng như các cách để đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ.

Các thỏa thuận về cơ bản là hướng đến việc xây dựng một liên minh rộng lớn để tạo dựng cho Mỹ và các đồng minh phương Tây khác ảnh hưởng thực sự, nhằm biến Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) nhiều lỗ hổng thành một thỏa thuận không phổ biến hạt nhân thực thụ và vĩnh viễn, đồng thời đảm bảo khả năng kiểm soát Iran - một mục tiêu cấp bách hơn bao giờ hết sau khi quốc gia này tuyên bố sẽ trả đũa vụ nhà khoa học vũ khí hạt nhân hàng đầu Moshen Fakhrizadeh bị ám sát hồi tuần trước.

Căng thẳng trong khu vực giữa người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shi'ite có thể còn lâu mới giải quyết được, nhưng mối liên kết quan trọng giữa Israel và các nước Arab láng giềng có thể mở ra cánh cửa nếu Mỹ và các quốc gia khác ủng hộ tiến trình này.

Israel và các đối tác cũng có thể sẽ ở vị thế tốt hơn để đóng vai trò ngoại giao có ý nghĩa trong các cuộc đàm phán sắp tới nhằm tái định hình quan hệ kinh tế giữa các nền dân chủ và Trung Quốc.

Chính quyền ông Biden sẽ sai lầm nếu tiếp nối đúng những gì mà chính quyền Barack Obama để lại cách đây 4 năm, khi Washington dấn thân vào một thỏa thuận hạt nhân chỉ đủ để trì hoãn - thay vì ngăn chặn - hoạt động hạt nhân hóa của Iran, lên án chính sách xây dựng các khu định cư của Israel tại Bờ Tây.

Trên thực tế, các lãnh đạo Iran và Chính quyền Palestine đều đã thể hiện những kỳ vọng về chính quyền mới của Mỹ, phản ánh suy nghĩ rằng Washington dưới thời ông Joe Biden rất có thể sẽ thúc đẩy giải quyết cả hai khúc mắc này.

Có cơ sở để lạc quan rằng chính quyền của ông Biden sẽ thích ứng để tận dụng các diễn biến gần đây.

Ông Joe Biden là một chính trị gia có bề dày kinh nghiệm đối ngoại trong nhiều thập kỷ và các mối quan hệ khắp Trung Đông.

Ông cũng là một nhân vật trung dung có nguyên tắc, từng làm việc với nhiều cộng đồng sắc tộc để hướng tới đồng thuận và hoàn thành các mục tiêu.

Dù có chung quan điểm như ông Obama về các giá trị nhân văn, ông Biden dường như không đồng tình với những dàn xếp liên quan đến lãnh thổ giữa Iran và các nước láng giềng Arab Sunni.

Về vấn đề Palestine, ông Blinken chủ trương khôi phục viện trợ tài chính cho Chính quyền Palestine (PA), không rõ điều này sẽ được thực hiện như thế nào trong bối cảnh chính quyền đã vận dụng Đạo luật Lực lượng Taylor để ngừng viện trợ cho PA nhằm trả đũa việc lực lượng này sử dụng sai nguồn tiền viện trợ để cung cấp cho hoạt động khủng bố và truyền giáo.

Ông Blinken cũng thể hiện sự nhạy cảm với các mối đe dọa dai dẳng mà Israel phải đối mặt, khẳng định các khoản viện trợ mà Mỹ dành cho quốc gia Do Thái này “không bao giờ được sử dụng để tác động đến các chính sách đối với Palestine mà Israel thúc đẩy."

Chính quyền mới của Mỹ được định vị để nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan và hưởng lợi từ những động lực tích cực.

Chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ đã tìm cách làm rõ ý định của Chính quyền Palestine bằng cách thiết lập các điều kiện để tiến tới những dàn xếp cuối cùng về tình trạng biên giới, trong đó có yêu cầu Palestine từ bỏ việc tuyên truyền và bồi thường tài chính cho các vụ khủng bố, và chấp nhận chế độ pháp quyền - tất cả những yếu tố cần thiết cho mọi xã hội dân sự nào, ngay cả trong khu vực Trung Đông.

Israel có nhiều lý do để tiếp cận chính quyền sắp tới tại Mỹ với tinh thần tích cực, bắt đầu từ việc cân nhắc thận trọng bối cảnh cũng như sự logic của những diễn biến gần đây, lấy đó làm cơ sở để tìm cách hướng PA quay trở lại “giải pháp hai nhà nước."

Nếu PA không nhanh chóng thể hiện lập trường, Israel và các đối tác sẽ có lý do để kết luận rằng giới lãnh đạo Palestine chỉ đơn giản là không quan tâm đến một thỏa thuận về “tình trạng cuối cùng” nhằm hợp pháp hóa quyền tồn tại của Israel và coi toàn bộ quá trình ký kết Hiệp ước Hòa bình Oslo chỉ là vỏ bọc để che đậy mục tiêu tiếp diễn cuộc chiến chống lại sự tồn tại của nhà nước Do Thái.

Nếu đó là sự thật, Israel có thể xem xét việc rút khỏi Hiệp ước Hòa bình Oslo, bãi bỏ PA và theo đuổi một cách tiếp cận độc lập nhằm cải thiện cuộc sống của người Palestine ở Bờ Tây bằng cách giúp họ hòa nhập (với chế độ tự quản trong cộng đồng) trong nền kinh tế và xã hội Israel.

Nếu điều đó xảy ra, các đối tác trong Hiệp định Abraham và Mỹ thậm chí có thể cân nhắc thuyết phục Jordan khôi  phục quyền công dân Jordan cho những người Palestine ở Bờ Tây, điều mà Amman đã từ bỏ vào năm 1988./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục