Tiến trình hòa bình Israel-Palestine đang được thúc đẩy với nỗ lực kiên trì của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran bước đầu được khai thông và quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria đã được khởi động bất chấp các cuộc giao tranh đang diễn ra ác liệt.
Khu vực Trung Đông - Bắc Phi đang bước vào năm 2014 với những điểm sáng le lói, song vẫn còn nhiều thách thức.
Ngay trong những ngày đầu năm, cộng đồng quốc tế đã đón nhận tin vui khi thỏa thuận hạt nhân tạm thời mang tính bước ngoặt giữa Iran và Nhóm P5+1 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 20/1.
Cùng với việc Tehran ngừng các hoạt động làm giàu urani cấp độ 20%, các biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc do phương Tây áp đặt cũng bắt đầu được nới lỏng.
Bất chấp những lực cản lớn từ cả trong lẫn ngoài nước, Iran và các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, dường như đang quyết tâm theo đuổi đàm phán để tiến tới ký kết một thỏa thuận cuối cùng, chấm dứt hàng chục năm thù địch giữa hai bên.
Thỏa thuận này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới tại vùng Vịnh, kéo theo những tác động tích cực đối với các vấn đề “nóng” khác của khu vực như Syria, Iraq và Liban.
Sự cải thiện trong quan hệ giữa Iran và Mỹ không những sẽ làm thay đổi “cuộc chơi” ở Trung Đông mà còn có thể tạo ra ảnh hưởng mang tính toàn cầu.
Năm 2014 có thể là năm quyết định đối với cuộc nội chiến đã kéo dài ba năm qua ở Syria.
Hội nghị hòa bình quốc tế Geneva II về Syria, dự kiến diễn ra vào ngày 22/1, sẽ khó đạt được đột phá khi lập trường của cả chính phủ lẫn phe đối lập ở Syria về vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad trong chính quyền chuyển tiếp quá khác biệt, song kết quả đáng ghi nhận nhất là các bên đã lần đầu tiên ngồi vào bàn đàm phán và nhất trí theo đuổi giải pháp chính trị để giải quyết khủng hoảng.
Với sự hậu thuẫn kiên định của Nga và Iran, tiếng nói của chính phủ Syria trên bàn đàm phán có thể có sức nặng hơn nhờ các chiến thắng mới trên chiến trường trước các nhóm đối lập vũ trang đang bị chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc.
Sức ép đối với chính quyền của ông Assad cũng có thể giảm bớt khi Mỹ cùng các nước đồng minh ở châu Âu và trong khu vực thay đổi chính sách về Syria do đã nhận thức rõ được bản chất cực đoan và nguy cơ nhãn tiền từ các nhóm đối lập Hồi giáo có liên hệ với mạng lưới Al-Qaeda đối với an ninh và sự ổn định của khu vực và quốc tế.
Tại Bắc Phi, Tunisia đang từng bước củng cố tình hình sau nhiều năm hứng chịu hậu quả của “Mùa Xuân Arab.”
Tuy Quốc hội nước này hoãn việc thông qua bản hiến pháp mới vào thời hạn chót 14/1 vừa qua, song văn kiện này nhiều khả năng sẽ được thông qua tiếp sau bước đột phá về chính trị khi Đảng Hồi giáo Ennahda cầm quyền và các lực lượng thế tục nhất trí bổ nhiệm một nhà kỹ trị làm thủ tướng tạm quyền nhằm lãnh đạo đất nước cho tới cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Nhìn sang nước láng giềng Algeria, cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng Tư tới. Nhiều khả năng Tổng thống sắp mãn nhiệm Abdelaziz Bouteflika sẽ tiếp tục ra tranh cử và giành chiến thắng để lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ thứ tư.
Đây sẽ là nhân tố giúp duy trì sự ổn định tình hình quốc gia Bắc Phi này và tạo ảnh hưởng tích cực ngăn các nước châu Phi khu vực Hạ Sahara không lún sâu thêm vào bất ổn.
Tại Ai Cập, hiến pháp mới đã được thông qua với đa số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 14-15/1 vừa qua.
Kết quả này đã làm sáng tỏ lộ trình chuyển tiếp chính trị ở Ai Cập sau cuộc chính biến ngày 3/7/2013 lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi.
Kết quả này cũng mở đường cho hai cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong vòng sáu tháng tới, đồng thời tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển ổn định ở Ai Cập sau ba năm phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề của "Mùa Xuân Arab."
Lực lượng quân đội hùng hậu vẫn tiếp tục là "mỏ neo" cho sự ổn định của quốc gia này trước nguy cơ từ các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó chỉ là những đốm sáng hiếm hoi trong bầu không khí bị bao phủ bởi những mâu thuẫn bè phái và sắc tộc mang tính “thâm căn cố đế” cũng như nguy cơ từ chủ nghĩa cực đoan và sự trỗi dậy mạnh mẽ của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.
Trung Đông – Bắc Phi vẫn còn hàng loạt “điểm nóng” bất ổn tiềm tàng khác và thậm chí có thể đối mặt với các cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn.
Cuộc nội chiến Syria đã và đang lan rộng ra khắp khu vực và tác động dây chuyền tới một loạt quốc gia láng giềng như Liban, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Quốc gia vùng Cận Đông này đã trở thành "vườn ươm" và "thánh địa" cho các tay súng thánh chiến đến từ khắp nơi trên thế giới.
Trong khi hai quốc gia láng giềng là Tunisia và Ai Cập đang có những bước tiến quan trọng trên con đường khôi phục dân chủ thì Libya vẫn đắm chìm trong bất ổn.
Ngoài mối đe dọa từ các nhóm phiến quân có liên hệ với Al-Qaeda, một mối đe dọa nghiêm trọng khác đối với tiến trình chuyển tiếp chính trị ở nước này là từ các nhóm vũ trang từng tham gia lật đổ chính quyền độc tài Gaddafi.
Từ hơn nửa năm nay, nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu năng lượng của quốc gia này bị thiệt hại nặng nề khi các nhóm vũ trang nói trên tiến hành chiếm giữ, phong tỏa các mỏ dầu và các cảng dầu quan trọng của đất nước.
Tại Iraq, cuộc khủng hoảng bè phái, sắc tộc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội đang tới gần.
Tình hình an ninh ở quốc gia này ngày càng tồi tệ khi Al-Qaeda liên tục tiến hành các cuộc tấn công liều chết và đang phát động các chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào tỉnh Anbar nằm ở ngã tư biên giới giữa Iraq, Syria, Jordan và Saudi Arabia.
Với chính sách xoay trục về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại trong khu vực có thể dẫn tới một cuộc đối đầu hết sức nguy hiểm giữa hai cường quốc khu vực là Saudi Arabia và Iran.
Trong khi đó, hiện vẫn chưa có quốc gia nào có "đủ tầm," "đủ lực" và đủ thiện chí để đóng vai trò hòa giải các cuộc xung đột tại Trung Đông.
Bức tranh Trung Đông năm 2014 sẽ chủ yếu được quyết định bởi những diễn biến của cuộc khủng hoảng Syria, cuộc đối đấu công khai mang màu sắc tôn giáo giữa Saudi Arabia và Iran cũng như mức độ can dự của Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng bất ổn vẫn là xu hướng chủ đạo của khu vực này trong năm 2014 và kẻ được lợi nhất từ tình trạng chia rẽ bè phái ngày càng gia tăng trong khu vực chính là các lực lượng khủng bố như Al-Qaeda./.