Trưng cầu ý dân các vấn đề vượt thẩm quyền của Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu rõ, các vấn đề cần trưng cầu ý dân là các vấn đề vượt thẩm quyền của Quốc hội, có tác động lớn đến nhân dân…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật trưng cầu ý dân.

Cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến những vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh đây điều kiện đảm bảo tính khả thi của dự án Luật này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, trưng cầu ý dân là vấn đề chính trị xã hội quan trọng nên phải cân nhắc thận trọng, phải tổ chức làm tốt để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân.

Qua thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội thứ 9, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về nguyên tắc xác định các vấn đề đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể những vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu rõ, các vấn đề cần trưng cầu ý dân là các vấn đề vượt thẩm quyền của Quốc hội, có tác động lớn đến nhân dân…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất cụ thể hơn, dự thảo phải quy định rõ đó là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quan hệ lớn đến sự tồn vong, bền vững của đất nước, nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ nhân dân và những vấn đề kinh tế-xã hội ảnh hưởng lớn, trên diện rộng tới quốc kế dân sinh cần trưng cầu ý dân…

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nhận xét, quyền và nghĩa vụ của công dân khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân chưa được quy định rõ trong dự thảo Luật.

Tán thành với đánh giá này, ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng “quyền và nghĩa vụ là vấn đề rất quan trọng,” cần phải được quy định cụ thể mới đảm bảo hiệu quả của việc trưng cầu ý dân.

Về nội dung xác nhận kết quả trưng cầu ý dân, dự thảo luật quy định “Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố kết quả trưng cầu ý dân chậm nhất mười lăm ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.”

Thảo luận nội dung này, một số ý kiến đề nghị không nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố kết quả trưng cầu ý dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ tổng hợp rồi báo cáo Quốc hội, trên cơ sở đó Quốc hội ban hành xác nhận kết quả của cuộc trưng cầu ý dân, trong đó có thể kèm theo văn bản để triển khai thực hiện.

Vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra nêu quan điểm Hiến pháp đã giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân nên khi Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố kết quả trưng cầu ý dân là đã bảo đảm tính khách quan, hợp pháp của hoạt động này.

Mặt khác, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân đã được người dân lựa chọn, quyết định nên mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm tôn trọng và thực hiện. Do đó, không nên quy định việc Quốc hội xác nhận kết quả trưng cầu ý dân hoặc xem xét, thông qua lại các nội dung đã được người dân bỏ phiếu tán thành.

Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Viện nghiên cứu lập pháp.

Mục đích của việc xây dựng, ban hành Nghị quyết là tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Viện nghiên cứu lập pháp để cụ thể hóa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện nghiên cứu lập pháp, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu nhiệm vụ trong những năm tới và giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian tới, Viện nghiên cứu lập pháp phải tập hợp được lực lượng đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học về lập pháp.Định hướng đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Viện nghiên cứu lập pháp trở thành một trung tâm nghiên cứu, cung cấp thông tin khoa học tin cậy cho hoạt động lập pháp.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết, mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện nghiên cứu lập pháp.

Việc ban hành Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện nghiên cứu lập pháp là cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định của Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, bảo đảm hoạt động của Viện phù hợp với Luật khoa học và công nghệ.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Viện nghiên cứu lập pháp như trong dự thảo Nghị quyết nhưng đề nghị rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành để có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, bảo đảm không có sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm tính khả thi.

Cụ thể, rà soát, xác định rõ nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu lập pháp là gắn với hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Việc nghiên cứu, cung cấp thông tin của Viện phải góp phần thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Có sự phân định rõ việc nghiên cứu khoa học lập pháp với việc nghiên cứu về Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước của các cơ quan khác như Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp,... để tránh trùng lặp.

Viện không nên phát triển theo hướng nghiên cứu cơ bản mà chỉ nên tập trung vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội để hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục