Ngày 25/3, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết rằng cuộc trưng cầu dân ý mà khu vực Catalonia lên kế hoạch tổ chức, nhằm tách khỏi Tây Ban Nha là "vi hiến và vô giá trị."
Theo một tuyên bố bằng văn bản, các thẩm phán khẳng định theo Hiến pháp Tây Ban Nha, một khu vực của nước này không thể đơn phương kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của mình. Ngoài ra, mọi "quyền được quyết định" của Catalonia phải tuân thủ Hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha.
Sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, chính quyền Catalonia khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành cuộc bỏ phiếu, bất chấp phản ứng "dữ dội" từ chính phủ Tây Ban Nha.
Các nhà lãnh đạo vùng Catalonia đã kêu gọi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 9/11 tới, trong đó yêu cầu người dân Catalonia trả lời câu hỏi: Liệu Catalonia có nên trở thành một quốc gia độc lập hay không.
Nhiều người Catalonia đã nêu ra những điểm so sánh với tình hình ở Scotland, nơi cũng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Chín về nền độc lập, một động thái được chính phủ Anh cho phép.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho rằng Catalonia không thể tổ chức trưng cầu dân ý như Scotland bởi Tây Ban Nha không giống như Anh và có Hiến pháp quy định việc này. Ông Rajoy nhấn mạnh không ai có thể đơn phương tước quyền quyết định tương lai của toàn bộ người dân Tây Ban Nha.
Catalonia trở thành một phần lãnh thổ Tây Ban Nha kể từ khi Nữ hoàng Isabella của Vương quốc Castile và Vua Ferdinand của Vương quốc Aragon, bao gồm Catalonia, kết hôn năm 1469.
Khu vực này là nơi sinh sống của 7,5 triệu dân trong tổng số dân Tây Ban Nha là 46 triệu người. Khu vực tự trị có ngôn ngữ và di sản văn hóa riêng này tạo ra 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 25% kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, sau năm năm liên tiếp suy thoái kinh tế cũng như thất vọng về sự phân bổ không cân xứng thu nhập của chính quyền trung ương được cho là một phần nguyên nhân khiến vùng này muốn tách khỏi Tây Ban Nha./.