Trung bình mỗi ngày, TP.HCM phát hiện hơn 540 ca mắc COVID-19

Trước xu hướng số bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị phải có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh.
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tính đến 12 giờ ngày 8/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 8.585 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố.

Đáng chú ý, liên tục trong 17 ngày qua, trung bình mỗi ngày Thành phố phát hiện 543 ca mắc mới. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), trong những ngày tới, Thành phố cần có nhiều giải pháp quyết liệt ngăn chặn đà tăng của dịch bệnh.

Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong vòng từ 6 giờ ngày 7/7 đến 6 giờ ngày 8/7, Thành phố ghi nhận 1.284 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, phần lớn ở khu vực cách ly và khu vực phong tỏa, có 210 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 573 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.

Thành phố đang điều trị 414 bệnh nhân nặng tại các bệnh viện; trong đó, có 8 trường hợp cần can thiệp ECMO. Đến nay, địa bàn đã có 49 bệnh nhân tử vong có liên quan đến COVID-19.

Trước xu hướng số bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố kiến nghị phải có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh.

[Thủ tướng đồng ý để TP Hồ Chí Minh áp dụng có dự lệnh Chỉ thị 16]

Giải pháp đầu tiên là giảm sự phát tán của mầm bệnh bằng cách thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg kể từ 0 giờ ngày 9/7.

Giải pháp thứ 2 là tiếp tục loại bỏ (làm giảm) nguồn lây nhiễm trong cộng đồng bằng cách đảm bảo cách ly tuyệt đối trong khu vực phong tỏa và giữa khu vực phong tỏa với các khu vực xung quanh, qua đó kiểm soát chặt chẽ sự lây lan dịch bên trong cũng như bên ngoài khu vực phong tỏa; truy vết, xét nghiệm nhanh, tìm nguồn F0 và cách ly F1 sớm, tránh lây lan trong cộng đồng.

Đồng thời, lặp lại xét nghiệm ở những vùng có nguy cơ cao để loại bỏ nguồn lây trong cộng đồng như khu vực phong tỏa triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 2-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 5-7 ngày/lần

Giải pháp thứ 3 là làm giảm yếu tố nguy cơ để dịch bệnh phát tán nhanh, trong đó: tăng cường quản lý, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp; ngưng hoạt động các chợ truyền thống, siêu thị, các chợ đầu mối nếu không đảm bảo công tác phòng, chống dịch; xét nghiệm lặp lại để sàng lọc ca dương tính, tránh lây lan dịch trong các khu nhà trọ; tăng cường quản lý, phòng, chống lây nhiễm chéo trong cách khu cách ly tập trung để hạn chế số lượng bệnh nhân nhằm tránh quá tải hệ thống bệnh viện; đề xuất giảm cách ly tập trung F1 xuống còn 14 ngày, tự cách ly tại nhà 14 ngày và thí điểm cách ly F1 tại nhà theo tiêu chí của Bộ Y tế.

Về vấn đề điều trị, hiện nay Thành phố đã triển khai kế hoạch điều trị 15.000 ca bệnh mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; tiếp tục triển khai kế hoạch điều trị 20.000 giường, đảm bảo nguồn nhân lực và các trang thiết bị y tế.

Thành phố cũng đã tiếp nhận và điều phối 500 bác sỹ và 1.500 điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành đóng chân trên địa bàn để hỗ trợ công tác điều trị ở các bệnh viện điều trị COVID-19.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục đề xuất Bộ Y tế cung cấp thêm 1.000 bác sỹ; 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên; 500 chuyên gia, sinh viên chuyên ngành y tế công cộng và y học dự phòng để truy vết ca bệnh.

Về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, hiện Thành phố đã có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine đợt 5 với 100.000 liều do Bộ Y tế phân bổ.

Đến nay, qua 4 đợt tiêm, thành phố có 985.077 người được tiêm vaccine, trong đó 943.215 người tiêm mũi 1 và 41.862 người hoàn thành tiêm cả 2 mũi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục