Trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tái hiện diện mạo gốm Việt

Triển lãm giới thiệu 80 hiện vật gốm men đặc sắc, được tuyển chọn từ bộ sưu tập cổ vật An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng) và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Triển lãm không quá nhiều hiện vật nhưng phản ánh đầy đủ diện mạo gốm Việt qua các thời kỳ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 19/11, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức lễ khai mạc trưng bày "Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt-Nhìn từ sưu tập An Biên."

Triển lãm giới thiệu 80 hiện vật gốm men đặc sắc, được tuyển chọn từ bộ sưu tập cổ vật mang tên An Biên (tên cũ của Hải Phòng) của nhà sưu tập Trần Đình Thăng và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho hay đây là hoạt động chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị mỹ thuật cao trải dài trên 2.000 năm phát triển của đồ gốm Việt Nam, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.

“Các hiện vật tại trưng bày có niên đại không dài nhưng lại rất độc đáo, hiếm có trong đó có đồ gốm Bát Tràng được đặt làm vô cùng tinh xảo, có đồ ngự dụng và đồ minh khí được tìm thấy trong các ngôi mộ gạch,” tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn cho biết.

Ông Đoàn khẳng định trưng bày không nhằm mục đích giới thiệu cổ vật đắt tiền, gây kinh ngạc mà tập trung làm sáng tỏ diện mạo gốm Việt kể từ thời kỳ đầu Công nguyên đến thế kỷ 19. Cụ thể, các nhóm hiện vật được chia theo niên đại, làm nổi bật phong cách đồ gốm thời đó như cách tráng men, đổ khuôn, nung…

[Tinh hoa gốm Việt: Đối thoại với các nghệ nhân ngày Xuân]

Theo đó, khu vực trưng bày gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên bao gồm hiện vật được chế tác trên nền tảng truyền thống gốm Đông Sơn, có tiếp thu kỹ thuật làm gốm men tiên tiến đương thời của Trung Quốc (làm khuôn, gắn chắp các thành phần sau đổ khuôn, tráng men và nung với nhiệt độ cao trong lò).

Người thợ thời đó tạo ra dòng gốm mang sắc thái riêng và đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có nghề sản xuất đồ gốm men ra đời sớm và phát triển liên tục. Đây là những cơ sở, nền tảng để hình thành nên các dòng gốm men phát triển ở các thời kỳ sau đó, đặc biệt là từ thời Lý-Trần.

Giới thiệu trưng bày:

Sang thế kỷ 11-14, gốm Việt phát triển độc lập, có những đề tài trang trí mang đậm tính bản địa của người Việt, tạo nên một trong những trang sử rực rỡ nhất của truyền thống sản xuất gốm sứ Việt Nam với loại hình phổ biến là liễn, ấm, đài sen, âu, bát, đĩa…. được sản xuất phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng từ cung đình đến dân gian. Đặc biệt, thời kỳ này đã hình thành và phát triển các dòng gốm men phong phú, đa dạng như gốm men trắng, gốm men ngọc, gốm men xanh lục, gốm men nâu, gốm hoa nâu và cuối thế kỷ 14 xuất hiện gốm hoa lam.

Thế kỷ 15-17 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đồ gốm trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng, được sản xuất nhiều chủng loại có trình độ kỹ thuật cao với các loại hình chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ (bát, đĩa, ấm, ang, hộp lư hương, tượng nghê, chân đèn…), dòng men tiêu biểu là hoa lam, nhiều màu, lam xám, với đề tài trang trí chủ yếu là rồng, phượng, mây, nghê... Một số trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng thời kỳ này: Thăng Long, Bát Tràng (Hà Nội), Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương)...

Gốm Bát Tràng thế kỷ 18-19 được phác họa qua hiện vật đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ trang trí mang sắc màu của men rạn, men lam...

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mọi cổ vật đều quý giá, song có những nhóm hiện vật rất điển hình chẳng hạn như bộ sưu tập đồ gốm men trắng thời Lý có họa tiết hoa sen đơn giản, biểu trưng cho xu hướng sùng đạo Phật trong xã hội thời đó.

Trưng bày kéo dài đến hết năm 2021 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội./.

Khách tham quan thích thú trước một hiện vật độc đáo: Tượng Quan Âm men rạn thế kỷ 18. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nhà minh khí, đồ tùy táng trong mộ gạch thế kỷ 1-3. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đĩa hoa lam thế kỷ 15. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tước hình vẹt, men trắng thế kỷ 12-13. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Gốm Bát Tràng men rạn, vẽ lam thời Gia Long (1802-1819).(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nhóm hiện vật từ tàu cổ Cù Lao Chàm, thế kỷ 15. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hiện vật men nâu và hoa lam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Bình men xanh xám thế kỷ 7-9. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trưng bày giới thiệu hiện vật điển hình cho phong cách gốm Việt qua các thời kỳ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đĩa men rạn thế kỷ 18. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Cốc đốt hương thế kỷ 1-3. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Chân đèn hoa lam thế kỷ 17. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Bình hình thú thế kỷ 1-3. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Lư hương men lam xám thế kỷ 16. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nhóm hiện vật men trắng thời Lý trang trí hoa sen. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Lư hương thế kỷ 17. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Gốm men trắng thời Lý có nhiều sắc độ khác nhau như trắng ngà, trắng đục, trắng sáng ngả xanh, bề mặt men nhẵn bóng, có những vết rạn nhỏ theo thời gian khiến cho nó mang một vẻ đẹp sâu lắng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Liễn hoa nâu thế kỷ 11-12. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ấm men nâu thế kỷ 13-14. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đồ gốm thế kỷ 1-3. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đĩa hoa lam nhiều màu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Gốm Bát Tràng thế kỷ 18. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Kiếm thờ men trắng thế kỷ 18. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Liễn hoa nâu thế kỷ 13-14. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đài thờ men rạn thế kỷ 19. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Gốm men ngọc thế kỷ 5-6. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ấm hoa nâu thế kỷ 12-13. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục