Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), ngày 12/12, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt.”
Trưng bày nhìn lại những dấu mốc lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên chặng đường 80 năm hình thành và phát triển, được chia thành 3 phần chính.
Phần 1 “Những dấu mốc lịch sử” giới thiệu về lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam từ những ngày đầu thành lập. Sau gần 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam. Trước yêu cầu thực tiễn, Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng. Dưới cờ đỏ sao vàng, 10 lời thề danh dự quyết tâm chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng đã vang lên.
Gắn liền với từng thời điểm lịch sử, tên gọi của lực lượng quân đội có sự thay đổi. Dù với tên gọi nào, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn là đội quân “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu.”
Phần 2 “Bền gan vững chí” giới thiệu về nhiều chiến sỹ cách mạng từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù, trại giam: Hỏa Lò, Nam Định, Sơn La, Lao Bảo, Côn Đảo... Bằng ý chí, nghị lực được tôi luyện trong “ngục lửa,” khi ra chiến trường, các vị tướng càng quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách đánh, đoàn kết trong đấu tranh.
Đặc biệt, phần này giới thiệu thân thế, sự nghiệp của chín vị tướng với tài năng, đức độ và công lao đã đóng góp cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002), Thượng tướng Đinh Đức Thiện (1914-1987), Thượng tướng Song Hào (1917-2004), Trung tướng Vương Thừa Vũ (1910-1980), Trung tướng Vũ Xuân Chiêm (1923-2012), Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907-1967), Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (sinh năm 1922).
Phần 3 “Ký ức không phai” là những tư liệu về tình cảm của các tướng lĩnh với đồng chí, đồng đội, quê hương, gia đình.
Đến dự và tham quan trưng bày, ông Võ Điện Biên, con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự xúc động, cho rằng trưng bày không chỉ nhắc nhớ những cống hiến, hy sinh của các tướng lĩnh được giới thiệu tại di tích hôm nay mà còn nhắc nhớ công lao to lớn của hàng ngàn chiến sỹ cách mạng kiên trung đã bị giam cầm tại Nhà tù Hoả Lò nói riêng và nhiều nhà giam khác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc.
Ông Trần Việt Trung, con trai của Thiếu tướng Trần Tử Bình nhận xét trưng bày được tổ chức trong khuôn viên nhỏ hẹp của Di tích Nhà tù Hoả Lò nhưng các tư liệu hình ảnh được chuyển tải rất sinh động.
Ông quan sát thấy di tích có nhiều bạn trẻ đến tham quan. Đây là tín hiệu rất vui, cho thấy các bạn trẻ đang quan tâm ngày càng nhiều hơn đến lịch sử của dân tộc, đất nước, từ đó có thể thấu hiểu hơn về những cống hiến, hy sinh của cha ông, bồi đắp niềm tự hào dân tộc, càng thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Với các hình ảnh, tư liệu đặc sắc, trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt” giúp công chúng thêm thấu hiểu sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh và những đóng góp của các vị tướng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc, từ đó giúp thế hệ trẻ hôm nay càng thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Trưng bày kéo dài đến hết ngày 28/2/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.
Trưng bày chuyên đề khắc họa chân dung 'nhân chứng lịch sử' đặc biệt ở Hỏa Lò
Ở Nhà tù Hỏa Lò, những cây bàng như những "nhân chứng lịch sử" âm thầm chứng kiến các cuộc đấu tranh cách mạng của chiến sỹ cách mạng yêu nước bị thực dân Pháp đàn áp.