Trưng bày chuyên đề khắc họa chân dung 'nhân chứng lịch sử' đặc biệt ở Hỏa Lò

Ở Nhà tù Hỏa Lò, những cây bàng như những "nhân chứng lịch sử" âm thầm chứng kiến các cuộc đấu tranh cách mạng của chiến sỹ cách mạng yêu nước bị thực dân Pháp đàn áp.
Trưng bày được thiết kế với những gam màu xanh, đỏ, vàng, lấy cảm hứng từ màu lá bàng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 8/10, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Bàng ơi...!” để kể câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng nơi đảo xa và cây bàng trong thơ ca, hội họa…

Theo thông tin từ Ban Quản lý Di tích, trưng bày là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng yêu nước bị thực dân Pháp đàn áp.

Trưng bày được chia làm 2 phần: "Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò" và "Bàng ơi!".

Ở phần một, người xem sẽ thấy hình ảnh cuộc sống của những tù nhân ở Hỏa Lò. Cây bàng như nhân chứng lịch sử, chứng kiến các cuộc đấu tranh nơi ngục lửa, kể những câu chuyện của lòng biết ơn cho thế hệ hôm nay.

Trong Nhà tù Hỏa Lò ngày ấy, những cây bàng là “người bạn” gần gũi và gắn bó mật thiết với đời sống của tù chính trị. Cây bàng âm thầm giúp người tù vượt lên những khắc nghiệt chốn “địa ngục trần gian.” Gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật của tù nhân. Cành bàng rụng xuống, qua những bàn tay khéo léo đẽo, gọt đã trở thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, nhạc cụ. Tù chính trị còn dùng vỏ bàng để sắc nước uống, chữa bệnh đường ruột rất hiệu quả.

Trưng bày khắc họa chân dung "nhân chứng lịch sử" đặc biệt tại Nhà tù Hỏa Lò: Cây bàng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nội dung này có phần chia sẻ của nhạc sỹ Đỗ Nhuận (1922-1991), tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1943-1944: “Tôi ngắm nghía cây bàng, rồi đề nghị làm một ống tiêu. Anh Đỗ Mười đồng ý với đề nghị này của tôi, phân công một đồng chí leo trèo nhanh, nhân lúc ra sân tắm, vắng mặt quản đề lao, trèo lên cây, chọn một cành bàng thẳng, bẻ xuống, ném cho tôi. Tôi vội bắt lấy, vặt hết lá, đem vào trại giấu biến, rồi ngày ngày kỳ công, dùng lưỡi dao cạo bổ dọc cành bàng, khoét rỗng ruột, phơi khô, gọt nhẵn, sau đó gắn hai mảng lại bằng đường trộn vôi, có quấn chỉ quanh ống và dùng lưỡi dao trổ khoét lỗ làm thành ống tiêu, dùng thổi trong buổi biểu diễn văn nghệ…”

Ở phần hai của trưng bày, công chúng sẽ được biết thêm những câu chuyện cây bàng ở đảo xa và trong những câu hát, vần thơ.

Không gian trưng bày còn giới thiệu những sự thật thú vị về cây bàng, như: Mầm bàng xoắn ốc, công dụng chữa bệnh của bàng, cây bàng có tuổi thọ lớn nhất tại Việt Nam… Tất cả tạo nên một không gian trải nghiệm về sự sống động của cây bàng.

Trưng bày sẽ kéo dài tới ngày 31/12 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục