Ngày 23/4 tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức trưng bày "Bảo vật Hoàng cung: Kim ấn và kim sách thời Nguyễn."
Buổi trưng bày đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa và khách du lịch trong và ngoài nước.
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết các hiện vật được trưng bày bao gồm: kim ấn và kim sách triều Nguyễn. Kim ấn (hay còn gọi là kim bảo tỷ) biểu thị cho quyền lực tối cao của Hoàng đế và của cả triều đại, gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước dưới thời Nguyễn.
Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc, chưa kể đến số ấn tín quý khác dùng trong hoạt động hành chính của triều đình.
Kim sách (sách vàng) là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm bằng vàng, ghi lại những sự kiện trọng đại của triều đình, dành cho Hoàng đế hoặc Hoàng hậu, lập thái tử, tấn tôn các phi tần trong hậu cung, hoặc phong tước cho các hoàng tử...
Sau khi triều Nguyễn kết thúc, hầu hết các kim ấn, bảo tỷ và kim sách đều được chuyển ra Hà Nội. Số cổ vật trưng bày nói trên nằm trong số cổ vật của triều Nguyễn hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Theo tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, hiện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sưu tầm, bảo quản và trưng bày hơn 10.000 cổ vật. Các loại cổ vật được chế tác bằng đủ loại nguyên liệu như vàng, bạc, đồng, thủy tinh, đất nung, đá, gỗ, mây, tre vải, da, giấy..., phần lớn liên quan đến đồ ngự dụng, quan dụng, đồ dùng của triều đình, hoàng gia, các tác phẩm mỹ thuật từng được trưng bày trong các cung điện tại kinh thành triều Nguyễn.
Tháng 4/2016, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (cùng với Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng chứng tích chiến tranh) đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải Bảo tàng yêu thích nhất Việt Nam năm 2015./.