Ngày 4/9, kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9 và chuẩn bị cho lễ công bố di tích cấp Quốc gia đặc biệt Óc Eo vào ngày 26/9 tới, Bảo tàng tỉnh An Giang phối hợp với các nhà sưu tập cổ vật trong và ngoài tỉnh tổ chức triển lãm “Gốm Nam Bộ.”
Trong ngày đầu mở cửa, nhiều người dân, các nhà nghiên cứu cổ vật đã tới xem triển lãm.
Triển lãm kéo dài đến ngày 29/10, trưng bày trên 600 hiện vật gốm cổ gồm bình tích, ấm, chén, dĩa, thố, óng treo, bình, vại, chậu, gạc bù lệt, chậu hoa treo tường, lư, tượng Phật…. mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Việt - Nam Bộ trong quá trình khai phá, phát triển vùng đất phương Nam.
Đây là những hiện vật gốm cổ thuộc các dòng gốm Cây Mai, gốm Sài Gòn xưa, Lái Thiêu và gốm mỹ nghệ Biên Hòa, giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
Các hiện vật trưng bày tại triển lãm được thể hiện rất tinh xảo, như dòng gốm Cây mai được các nghệ nhân tập trung chủ yếu tạo hình tượng, đấp nổi, trong đó có những chế tác phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng như tượng Phật, lư thờ.
Còn dòng gốm Sài Gòn xưa, gốm Lái Thiêu chuyên sản xuất các mặt hàng gia dụng phục vụ cho sinh họat hàng ngày như chén, dĩa , thố, bình tích… , đặc biệt các hiện vật được trang trí bởi kỹ thuật vẽ men lam và men ngũ sắc với phong phú đề tài tuồng tích, con vật rồng, phượng, hoa cây cảnh, nhân vật…. mộc mạc, tinh tế, độc đáo, sinh động, gần gũi.
Đối với dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa, ra đời gắn với thành lập trường dạy nghề Biên Hòa của người Pháp vào năm 1903 hay trường Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, vì vậy đã thể hiện hoa văn họa tiết rất đặc sắc, sử dụng men xanh đồng trổ, men đá đỏ, trang trí men nhiều màu sắc, chạm khắc hoa văn họa tiết độc đáo, vừa trang nhã, hiện đại vừa mang đậm hồn dân tộc, với phong cách cởi mở, lạc quan, đời thường.
Sản phẩm của dòng gốm này còn đoạt được nhiều bằng khen, huy chương vàng tại các hội chợ triển lãm Quốc tế năm 1925 và 1932 tại Paris (Pháp). Đây còn là di sản văn hóa Việt - Nam Bộ quan trọng trong cuộc di dân, khai phá, mở mang bời cõi vào phía Nam./.