Cuộc tranh luận tay đôi giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton đã diễn ra hôm 9/10 (tức sáng 10/10 theo giờ Việt Nam.)
Sau khi có màn trình diễn khá nhạt nhòa và để đối thủ áp đảo trong cuộc tranh luận đầu tiên, sức ép đang dồn lên vai tỷ phú Trump.
Cử tri Cộng hòa đang hy vọng ông Trump sẽ có màn phản công ấn tượng trong lần "thượng đài" thứ hai.
Khác với cuộc tranh luận đầu tiên, màn đối mặt này được tiến hành dưới hình thức tiếp xúc cử tri với các chủ đề thảo luận mở.
Khán giả tham dự cuộc tranh luận, hầu hết là các cử tri còn do dự chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, sẽ được phép đặt câu hỏi và mỗi ứng cử viên có 2 phút để trả lời.
Sau khi “hạ đo ván” đối thủ trong màn “so găng” đầu tiên, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton được đánh giá là có lợi thế hơn./.
Trong chưa đầy 20 phút kể từ khi cuộc tranh luận bắt đầu, Trump hướng mũi dùi về phía chồng bà Hillary, ông Bill Clinton. "Nếu các vị nhìn về phía Bill Clinton thì những gì ông ta làm còn tệ hơn nhiều... Tôi thì chỉ có lời lẽ (xúc phạm phụ nữ) thôi, còn ông ta thì đã có hành động," Trump nói, khi cố gắng phản công. "Bill Clinton đã lạm dụng phụ nữ. Hillary Clinton cũng tấn công cùng những người phụ nữ đó, bà ấy tấn công rất kinh khủng. 4 người trong số họ đã có mặt ở đây tối nay. Tôi nghĩ rằng bà ấy nên tự thấy hổ thẹn về bản thân nếu các bạn muốn biết sự thật."
Bà Clinton có phản ứng đỉnh cao khi trích lời đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama: "Khi họ trở nên thấp hèn, chúng ta hãy cao thượng."
"Rất nhiều điều ông ta nói không hề đúng," bà nói thêm về đòn tấn công của ông. "Ông ta cũng chẳng bao giờ xin lỗi ai, vì bất kỳ điều gì."
Donald Trump tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ chỉ định một công tố viên đặc biệt để điều tra bà Hillary Clinton.
"Thật tốt đẹp khi ai đó như ông Donald Trump không điều hành đất nước chúng ta," bà Clinton đáp trả.
"Bởi vì bà sẽ phải ngồi tù," Trump trả đũa.
Theo tính toán của CNN, ông Trump đã phát biểu trong 11 phút 23 giây còn bà Clinton thì nói trong 9 phút 29 giây.
Cử tri thắc mắc không hiểu vì sao ông Donald Trump lẽo đẽo đi theo bà Hillary Clinton trên sân khấu, sau đó thì tìm cách đứng phía sau lưng bà.
Theo kết quả thăm dò ngày 9/10 của trang mạng RealClearPolitics, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Trump đã giảm từ 44,5% xuống còn 42,9%, trong khi tỷ lệ ủng hộ bà Clinton tăng từ 47% lên 47,5%. Trang mạng FiveThirtyEight.com thậm chí còn cho kết quả thăm dò với khoảng cách lớn hơn, theo đó bà Hillary được đánh giá có tới 81,3% cơ hội trở thành chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng, trong khi tỷ lệ này bên phía ông Trump chỉ là 18,7
Việc tờ “Bưu điện Washington” (Washington Post) hôm 7/10 công bố đoạn video ghi hình năm 2005, trong đó ông Trump có lời lẽ khiếm nhã đối với phụ nữ, đang khiến chiến dịch tranh cử của đại diện đảng Cộng hòa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của dư luận và phe Dân chủ, ông Trump thậm chí phải hứng chịu sự công kích từ nội bộ đảng Cộng hòa. Hàng chục nghị sỹ hàng đầu của đảng này đã phản đối hành động của ứng cử viên Trump, đồng thời không loại trừ khả năng giới thiệu một nhân vật khác đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử ngày 8/11 tới. Ngay cả “Phó tướng” Mike Pence cũng tuyên bố ông không thể chấp nhận bình luận của ông Trump.
Trong khi đó, bà Clinton đang gặp rắc rối mới sau khi trang thông tin Wikileaks vừa công bố hơn 2.000 email bí mật, được cho sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới bước đường vào Nhà Trắng của bà Hillary Clinton. Đối thủ của bà Clinton kỳ vọng rằng những thông tin trên sẽ tạo nên những bất ngờ lớn và có thể gây hại trực tiếp tới chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang vào giai đoạn nước rút.
Bà Clinton đề cập tới chương trình chăm sóc sức khỏe của chính quyền dành cho người dân Mỹ. Bà bênh vực chính sách của chính quyền và chỉ trích ý định của phe Cộng hòa, nhằm dẹp bỏ chính sách này.
Một cô gái trẻ theo Hồi giáo hỏi Donald Trump rằng ông sẽ nói gì với những người như cô, đang rất lo lắng nỗi sợ Hồi giáo sẽ tăng lên sau cuộc bầu cử.
Trump né câu hỏi này, quay trở lại chủ đề chống khủng bố. "Cô nói đúng về nỗi sợ Hồi giáo và điều đó thật đáng xấu hổ," ông nói rồi di chuyển tránh xa cô gái. "Nhưng chúng ta có một vấn đề ở đây... Khi những người Hồi giáo thấy có vấn đề diễn ra, họ phải báo cáo nó. Bà ấy (Hillary Clinton) không nêu tên và Tổng thống Obama không nêu tên, nhưng cái tên (của vấn đề) là đây: khủng bố Hồi giáo cực đoan. "
Bà Hillary Clinton đã chứng tỏ kinh nghiệm chính trị khi bước tới trước mặt cô gái trẻ và nói trực tiếp với cô. "Cảm ơn bạn vì đã đặt câu hỏi. Có rất nhiều điều gây chia rẽ và mang màu sắc đen tối khi ta bàn tới người Hồi giáo," bà nói. “Nhưng chúng ta đã có người Hồi giáo ở đất nước mình kể từ thời George Washington lập quốc. Chúng ta mới mất đi một người rất nổi tiếng là Muhammad Ali. Quan điểm của tôi về Mỹ là ai cũng có chỗ trong đất nước này."
Bà cũng chỉ trích ông Trump, nói rằng "chúng ta cần người Hồi giáo làm tai mắt cho mình."
Cuộc tranh luận xoay quanh việc Trump đề xuất cấm người Hồi giáo vào Mỹ. Bà Clinton tuyên bố đây là một ý tưởng không không ngoan và nguy hiểm.
Bà cũng cho biết những kẻ khủng bố đã dùng lời lẽ của ông Trump về người Hồi giáo để tuyển mộ các chiến binh cực đoan.
Bà tiếp tục tố cáo ông Trump không chống lại cuộc chiến ở Iraq, dù Trump nói điều ngược lại.
Cộng tác viên Michael Smerconish của CNN nhận xét Trump đang giành được thiện cảm từ các cử tri... đã ủng hộ ông.
Trump đã đề cập tới tất cả các vấn đề mà phe Cộng hòa vẫn dùng để chỉ trích ứng cử viên phe Dân chủ, từ bê bối tình ái của ông Bill Clinton tới vụ dùng thư cá nhân giải quyết việc công, cho tới vấn đề Hồi giáo cực đoan. Ông cũng tái sử dụng chiến thuật cướp lời đối thủ, khiến người điều hành liên tục phải nhắc nhở.
Điều duy nhất ông chưa nói tới là vụ Benghazi.
Nhưng các đòn tấn công như thế này chỉ khiến các cử tri đã ủng hộ ông thích thú, chứ không phải từ những nhóm cử tri khác.
Khác với cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra hôm 26/9 tại New York, cuộc tranh luận thứ hai diễn ra theo hình thức gặp gỡ cử tri. Bà Clinton và ông Trump sẽ tiếp nhận câu hỏi của những cử tri tham dự cuộc cặp gỡ và mỗi ứng cử viên có 2 phút để trả lời câu hỏi. Theo Ủy ban phụ trách tranh luận tổng thống năm 2016, chủ đề của cuộc tranh luận này hoàn toàn mở. Theo giới phân tích, do đã để mất điểm trong cuộc tranh luận đầu tiên, ứng cử viên Trump bước vào cuộc tranh luận thứ 2 với sức ép lớn và kết quả cuộc “đối đầu” này có thể ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đua và Nhà Trắng năm nay.
Trước cuộc tranh luận tay đôi thứ hai, Trump đã xuất hiện trong một cuộc họp báo cùng 5 người phụ nữ từng cáo buộc ông Bill Clinton có hành vi lạm dụng tình dục họ. Việc này nhằm gây sức ép cho bà Hillary, đồng thời cũng cho thấy Trump đã sẵn sàng lôi vấn đề bê bối tình dục của ông Bill Clinton vào cuộc tranh luận, coi đây là một trong những điểm chính để hướng sự chú ý của cử tri ra khỏi vấn đề của chính ông này.
Một cử tri hỏi hai ứng viên về chính sách thuế của họ. Bà Hillary Clinton tấn công Donald Trump khi nói rằng ông này đang phát tán thông tin sai sự thật.
“Thật hài hước khi nghe ai đó, kẻ mà có lẽ chưa đóng thuế trong vòng 20 năm, nói về thuế," bà Hillary Clinton nói, có nhắc tới một bài báo của tờ New York Times cho biết vào năm 1995, ông Trump đã đệ trình hồ sơ thuế nói rằng mình bị thua lỗ tới gần 1 tỷ USD và qua đó giúp ông không phải đóng thuế thu nhập tới 18 năm.
“Cái cách mà ông ấy nói về cắt giảm thuế có thể dẫn tới kết cục là các gia đình trung lưu bị tăng thuế," bà Clinton chỉ trích.
Trump tránh câu hỏi từ người điều hành Anderson Cooper của CNN về việc ông đã đóng bao nhiêu tiền thuế liên bang và trong 20 năm qua ông có đóng đồng nào không.
“Tôi hiểu về luật thuế hơn bất kỳ ai từng chạy đua vào ghế tổng thống," Trump nói. "Tôi đóng thuế và cả thuế liên bang nữa. Nhưng tôi đã được cắt giảm... Bà ấy đã mang điều đó tới cho chúng tôi. Bà ấy đã làm điều đó trong 30 năm trời."
"Tại sao bà không làm đi?" Donald Trump hỏi bà Hillary Clinton về việc vì sao bà không bỏ phiếu thay đổi chính sách thuế khi còn là một nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ.
"Bởi tôi là một thượng nghị sĩ phải làm việc với một tổng thống của phe Cộng hòa," bà Clinton phản pháo. .
"Nếu bà là một thượng nghị sĩ hiệu quả, bà hẳn đã làm xong việc rồi," Trump ngắt lời như thường lệ.
"Ông biết là dưới hiến pháp của chúng ta, các tổng thống có một thứ quyền lực đặc biệt gọi là quyền phủ quyết," bà đáp. "Hãy để tôi nói về 30 năm hoạt động phục vụ công chúng của mình. Tôi rất vui khi được làm điều đó."
Và khi phản bác lại quan điểm cho rằng "suốt 30 năm hoạt động chính trị mà chẳng làm được gì" của ông Trump, bà Clinton nói rằng mình có bề dày thành tích hợp tác với lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ và muốn đưa kinh nghiệm đó vào sử dụng khi đắc cử tổng thống.
Một cử tri trong các khán giả hỏi hai ứng viên rằng liệu họ có là một tổng thống hết lòng vì dân. Trump liền nhân cơ hội chỉ trích bình luận của bà Clinton, nói rằng một nửa số cử tri ủng hộ ông là những kẻ "đáng thương hại."
“Bà ta gọi người dân là đáng thương hại... Tôi sẽ là tổng thống của mọi người dân, " Trump tuyên bố.
Clinton, theo phong cách của riêng bà, lại trả lời khi đối mặt với người đưa ra câu hỏi. Bà kể rằng khi còn làm ở thượng viện đã từng tái đắc cử với tỷ lệ 67%.
"Trong suốt đời mình, tôi đã làm tất cả những gì có thể để ủng hộ trẻ em và các gia đình," bà nói. "Donald nói rất nhiều về 30 năm tôi hoạt động trên chính trường. Tôi tự hào về quãng thời gian đó. Tôi khởi nghiệp như một luật sư trẻ chống lại nạn phân biệt đối xử với trẻ em người Mỹ gốc Phi... Tôi cố gắng để đảm bảo người tật nguyền được hưởng quyền học hành. Tôi đã làm việc cùng người gốc Latin. Vì thế, tôi quả thực đã nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng mọi người Mỹ cảm thấy họ đều có chỗ đứng ở đất nước này."
Hillary Clinton xin lỗi vì gọi người ủng hộ ông Trump là "những kẻ đáng thương hại."
"Chỉ trong vòng vài giờ (kể từ khi đưa ra phát ngôn,) tôi đã đưa ra lời xin lỗi, bởi sự chỉ trích của tôi không nhằm vào người ủng hộ mà là vào chính ông ấy," bà nói.
Trump đáp lại rằng bà Clinton chứa đầy "sự thù hận" trong mình.
Phóng viên Brian Stelter của CNN nhận xét: "Tôi không thấy Trump giành được thêm phiếu bầu hay tác động tới các cử tri còn do dự trong đêm nay. Nhưng tôi có thấy ông ấy đang củng cố sự ủng hộ dành cho mình. Người đàn ông đó, bước những bước dài trên sân khấu, cầm chặt micro, thường xuyên ngắt lời đối thủ, đúng là một ngôi sao truyền hình. Vì thế cuộc tranh luận thứ hai khiến tôi băn khoăn rằng nếu ông ấy thất bại khi tranh cử, liệu kênh truyền hình "Trump TV" có giống như thế này?"
Thống kê của CNN cho thấy ông Trump đã phát biểu trong 39 phút 27 giây, còn bà Clinton phát biểu trong 35 phút 14 giây.
Khán giả vỗ tay khi một cử tri đặt câu hỏi cuối cho cuộc tranh luận tay đôi lần hai: "Liệu các vị có thể nêu những điều tích cực về đối thủ khiến bản thân thấy nể trọng?"
Bà Hillary Clinton nói trước. "Tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất hay và quan trọng. Tôi tôn trọng con cái của ông ấy. Các con của ông ấy đặc biệt có tài và tâm huyết. Tôi nghĩ rằng riêng chuyện này đã nói rất nhiều về Donald. Tôi không đồng tình với gần như mọi thứ ông ấy nói và làm, nhưng tôi rất nể điều này."
Donald Trump trả lời: "Tôi coi phát ngôn của bà ấy về các con mình là một lời khen ngợi rất tuyệt... Tôi rất tự hào về các con mình. Tôi có thể nói điều này về Hillary, bà ấy không bỏ cuộc. Bà ấy là một chiến binh. Tôi không đồng tình với phần lớn những gì bà ấy đang chiến đấu cho, tôi cũng không đồng tình với phán quyết của bà ấy trong nhiều trường hợp. Nhưng bà ấy chiến đấu rất mạnh mẽ và không bỏ cuộc. Tôi coi đó là một đức tính rất tốt."
Cuộc tranh luận thứ hai kết thúc sau 90 phút. Hai ứng cử viên cuối cùng đã bắt tay nhau. Ông Trump là người chủ động tiến về phía bà Clinton và giơ tay ra trước.