Trừ “ung nhọt” để cho thương mại điện tử cất cánh

Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển cùng với việc nền kinh tế đang ở giai đoạn “thắt lưng buộc bụng,” thương mại điện tử ở Việt Nam trong năm qua đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Thế nhưng, khi mà “nhà nhà, người người” tham gia thì thương mại điện tử năm qua lại hiện hữu sự thiếu bền vững, làm mất đi không ít lòng tin của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển cùng với việc nền kinh tế đang ở giai đoạn “thắt lưng buộc bụng,” thương mại điện tử ở Việt Nam trong năm qua đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Thế nhưng, khi mà “nhà nhà, người người” tham gia thì thương mại điện tử năm qua lại hiện hữu sự thiếu bền vững, làm mất đi không ít lòng tin của người tiêu dùng.

Thiếu bền vững

So với trước đây, năm 2012 đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của thương mại điện tử. Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm tới việc xây dựng và nâng cao chất lượng website, coi đây là một kênh quan trọng và hiệu quả để quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm, giao kết hợp đồng và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho thương mại điện tử ngày càng lớn mạnh, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này gia tăng...

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc PeaceSoft (sở hữu Chodientu.vn, 1top.vn) cho hay, có thể nói Việt Nam gần như đã theo kịp với tiến bộ của thế giới khi không thiếu một mô hình hay công cụ hỗ trợ cho thương mại điện tử nào. Có thể kể ra đây từ hình thức từ sơ khai nhất như rao vặt cho đến các sàn giao dịch, website bán lẻ trực tuyến, group-buying, xuất nhập khẩu lẻ xuyên biên giới, giải pháp thanh toán, giải pháp vận chuyển v.v…

Song năm 2012 cũng chứng kiến những “ung nhọt” khi chứng kiến hàng loạt các công ty bán hàng đa cấp, đội lốt thương mại điện tử để lừa đảo như Diamond Holiday Đông Nam Á, Muaban24 và đã bị cơ quan chức năng “sờ gáy” với những số tiền chiếm đoạt lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, sự đổ vỡ của ngành công nghiệp mua hàng theo nhóm như trường hợp Zing Deal của VNG phải giã từ cuộc chơi, sự việc lùm xùm quanh Nhóm Mua, Deal Sốc... gây ra không ít phiền toái, giảm niềm tin cho người tiêu dùng khi voucher họ mua bị đe dọa không thanh toán được.

Theo ông Bình, nguyên nhân chính của các hiện tượng này là mô hình này bị lạm dụng bởi các nhà cung cấp xấu. Các website bán hàng theo nhóm ngoài việc không kiểm soát được chất lượng khuyến mãi còn lạm dụng tiền trả chậm cho nhà cung cấp để chi trả cho quảng cáo và marketing dẫn đến mất khả năng thanh khoản.

“Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và niềm tin của người tiêu dùng vào thương mại điện tử, làm chậm tốc độ phát triển của ngành,” ông Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Tổng giám đốc Công ty Vật Giá Việt Nam (sở hữu vatgia.com) thì cho rằng, việc mua theo nhóm “không khác gì ra chợ mua mớ rau.” Thực tế cho thấy, với mô hình hiện tại người người cầm tiền (các website mua theo nhóm) mà có vấn đề thì người tiêu dùng, thậm chí cả các cửa hàng rao bán sản phẩm sẽ phải chịu thiệt.

“Nặn nhọt” cách nào?

Cũng theo các chuyên gia, các sự việc tương tự khiến thương mại điện tử phát triển không bền vững sẽ tiếp tục xảy ra trong năm tới với nhiều biến tướng khác nhau.

Nhận định của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng cho rằng, năm 2013, các doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn về chiều sâu, tái cấu trúc doanh nghiệp để bắt nhịp với nền kinh tế số, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử. Mặt khác, tỷ lệ người tiêu dùng có khả năng truy cập Internet lớn hơn và tham gia thương mại điện tử sẽ cao hơn với kỹ năng mua sắm trực tuyến tốt hơn.

Song, một thực tế cho thấy cuộc chạy đua giữa người tiêu dùng và kẻ lừa đảo sẽ không bao giờ có hồi kết. Để “nặn nhọt,” (mà ở đây cụ thể trong trường hợp của các website mua hàng theo nhóm), ông Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng cần phải có bàn tay can thiệp mạnh hơn nữa của Nhà nước.

Theo chuyên gia này, các cửa hàng có khi đưa voucher cần phải yêu cầu các trang web bán hàng theo nhóm đặt cọc tiền và thanh toán hàng ngày nhằm giảm rủi ro. Khi xảy ra “sự cố,” bản thân các cửa hàng phải có trách nhiệm với người tiêu dùng chứ không thể đổ vấy rồi không nhận thanh toán bằng voucher.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng như các cơ quan quản lý cần phải đưa ra những quy định chặt chẽ, quản lý mô hình mua sắm theo nhóm để tránh việc “nhà nhà, người người” mở website bán hàng theo nhóm. Thậm chí, cần phải quy định một doanh nghiệp có vốn bao nhiêu thì mới được đăng ký hoạt động...

Đồng tình, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét sự phù hợp của các văn bản pháp luật hiện hành đối với mô hình kinh doanh này bổ sung, sửa đổi kịp thời những điều chưa phù hợp.

Ngoài ra, các đơn vị cũng cần đẩy mạnh việc phổ biến tuyên truyền nâng cao kỹ năng của đông đảo người tiêu dùng trong môi trường mua bán trực tuyến, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại điện tử từ Trung ương tới địa phương.

Phó chủ tịch VECOM cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn lựa các nhà trung gian có uy tín được nhà nước cấp phép, tìm hiểu kỹ các điều kiện hợp đồng trước khi ký kết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Ông Nguyễn Hòa Bình thì bổ sung, người tiêu dùng cần mua hàng tại các website đã được chứng thực từ bên thứ ba, chỉ thanh toán qua các công cụ thanh toán trực tuyến đã được ngân hàng nhà nước cấp phép. Bên cạnh đó, cần cảnh giác trước những lời “dụ dỗ” cơ hội làm giàu nhanh nhờ lôi kéo người khác bởi các sàn giao dịch thương mại điện tử chân chính không bao giờ yêu cầu thành viên phải đóng tiền và giới thiệu người khác./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục