Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, bệnh COVID-19, tỉnh Quảng Ninh vẫn đặt ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cả năm 2021 sẽ đạt 2 con số và thu ngân sách đạt mức cao 51.000 tỷ đồng.
Đưa ra mục tiêu trên, Quảng Ninh dựa vào việc kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế.
Về công nghiệp-xây dựng, tỉnh sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ, tăng sản lượng tồn kho… để khuyến khích ngành than tăng tối đa sản lượng khai thác, góp phần vào tăng trưởng kinh tế GRDP, thu ngân sách Nhà nước và bảo đảm an sinh xã hội; phấn đấu tổng sản lượng than sạch sản xuất năm 2021 tăng trên 2,82 triệu tấn so với kịch bản đầu năm đề ra; đảm bảo mục tiêu sản lượng điện sản xuất quý 4 đạt 10,2 tỷ kWh, cả năm 2021 phấn đấu đạt 38,5 tỷ kWh.
Quảng Ninh chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tăng tối đa công suất và sản lượng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đảm bảo thực sự là động lực tăng trưởng, nhất là đối với các nhà máy sản xuất bột mỳ, dầu thực vật, dệt may, điện tử, loa, màn hình ti vi, cơ khí...; sớm đầu tư hoàn thành đưa một số dự án trong khu công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất một phần hoặc toàn bộ trong quý 4 năm nay để tạo ra năng lực, sản phẩm mới.
Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư để sớm khởi công, khởi động dự án trong tháng 10/2021 đối với 04 công trình, dự án trọng điểm, tổng vốn đầu tư 283.219 tỷ đồng: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 và Sân golf Đông Triều.
[Quảng Ninh khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng dịch với hàng xuất khẩu]
Dự kiến, trước ngày 31/12 tới, tỉnh sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng 03 công trình động lực trọng điểm của tỉnh (Đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1), tổng mức đầu tư trên 17.000 tỷ đồng; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc, cảng biển Hải Hà, đường ra cảng và cảng Vạn Ninh; thu hút các nhà đầu tư chiến lược về đầu tư hạ tầng cảng biển gắn với các dịch vụ hỗ trợ logistics tại cảng Hòn Nét-Con Ong (Cẩm Phả)...
Tỉnh tận dụng mọi cơ hội an toàn dịch bệnh để thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ, trọng điểm là các hoạt động thương mại bán lẻ, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải…; tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới, đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn.
Tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến, đặc biệt với các nước trên thế giới; nghiên cứu triển khai phương án đón khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát tốt gắn với thực hiện các chính sách kích cầu du lịch của tỉnh trong quý 4 tới, nhất là khách du lịch quốc tế đã có hộ chiếu vaccine.
Về lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tỉnh cũng đẩy mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh tại các thị thường tiềm năng, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thủy sản, chế biến lâm sản; phát triển bền vững nghề nuôi biển theo quy hoạch, sử dụng vật liệu làm lồng bè thân thiện với môi trường.
Quảng Ninh cũng nâng cao năng lực chế biến nông, lâm, thủy sản đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; đồng thời tiếp tục hoàn thành xây dựng, phát huy hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Đông Triều và huyện Đầm Hà.
Trong 9 tháng năm 2021, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8,2%, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 34.377tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ năm ngoái./.